Đây là nhận định được Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra tại báo cáo tình hình thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm và dự báo đến cuối năm nay.
Theo báo cáo này, diễn biến thị trường ngoại hối bên cạnh yếu tố về cung cầu truyền thống, sẽ phụ thuộc chặt chẽ và thái độ và cách thức điều hành thị trường ngoại hối của NH Nhà nước.
Tình trạng nhập siêu dù được dự báo trong năm nay sẽ tăng trở lại nhưng diễn biến thực tế về thâm hụt thương mại có phần vượt xa so với kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư 2-3 tỉ USD, trong đó riêng quý I đầu năm đã là 2,66 tỉ USD theo công bố của NH Nhà nước. Điều này có được nhờ các dòng ngoại tệ như vốn đầu tư trực tiếp (FDI), gián tiếp (FII), ODA, kiều hối duy trì khá tốt… Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 240 triệu USD trên thị trường chứng khoán.
Dự báo của BIDV trong 6 tháng cuối năm, cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư thêm khoảng 3 tỉ USD. Trong khi đó, tình trạng nhập siêu sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm nhưng mức thâm hụt sẽ chưa nới rộng thêm, xoay quanh khoảng 3-4 tỉ USD.
Theo BIDV, trong vai trò điều hành của mình, NH nhà nước hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỉ USD (tương đương mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu) để hoàn thành mục tiêu tỉ giá trong năm nay. NH này dự báo tỉ giá sẽ ổn định trong quý III trước khi có thể xuất hiện đợt biến động mạnh hơn, dao động trong khoảng 21.800 đồng/USD - 21.890 đồng/USD đến cuối năm.
Dù vậy, các chuyên gia của BIDV vẫn đưa ra một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối. Chẳng hạn, cán cân thương mại vẫn có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu với 2 kịch bản: Đà phục hồi của kinh tế thế giới yếu đi do những biến động của khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN,…) cũng như khu vực châu Âu (vấn đề Hy Lạp) khiến cho xuất khẩu của Việt Nam không đạt được kỳ vọng. Đồng thời, kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng đột biến. Kéo theo thâm hụt cán cân thương mại có thể nới rộng lên khoảng 1 tỉ USD/tháng.
Ngoài ra, khả năng NH Nhà nước không tiếp tục gia hạn thông tư 43/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ trong năm 2016, sẽ tạo áp lực lên nhu cầu ngoại tệ để giảm dư nợ ngoại tệ trong những tháng cuối năm. Điều này khá hợp lý khi lãi suất cho vay VNĐ đã được kéo giảm mạnh và hiện ở mức chấp nhận được đối với các doanh nghiệp, đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NH Nhà nước vẫn cho thấy sự kiên định đối với kế hoạch giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Một yếu tố đặc biệt cần quan tâm là thời điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Khi đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng lên và xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp diễn, tạo sức ép gián tiếp lên thị trường ngoại hối trong nước.
Trong diễn biến khác, ngày 28-7, giá USD trong các NH thương mại được niêm yết phổ biến quanh mức 21.785 đồng/USD mua vào, 21.845 đồng/USD bán ra, tăng 5 đồng/USD so với phiên trước.