Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề thưởng Tết 2016, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết mặc dù còn quá sớm để đưa ra con số cụ thể nhưng mức tiền thưởng Tết năm nay sẽ ổn định và cao hơn năm trước.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, 2015 là năm kinh tế có nhiều khởi sắc, GDP và giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng. Tiền lương và thu nhập của người lao động trong năm cũng cơ bản ổn định, thậm chí lương của nhiều doanh nghiệp còn tăng. Các doanh nghiệp thưởng Tết thường dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của năm, do đó mức thưởng năm nay được dự đoán vẫn ổn định.
“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh nên chưa thể dự đoán chính xác được mức tăng tiền thưởng Tết bình quân. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát những năm gần đây thì khối ngân hàng, dịch vụ tài chính thường có mức thưởng cao hơn. Khu vực sản xuất duy trì mức thưởng Tết Âm lịch phổ biến từ 1-2 tháng lương” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân cũng dự báo tiền thưởng Tết 2016 có thể tăng nhưng thưởng Tết của năm 2017 có thể sẽ thay đổi do doanh nghiệp phải tăng chi chí từ năm 2016. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ có khó khăn nhất định và phải tính toán chi phí, phải sử dụng lao động hợp lý đảm bảo được tiền lương, tiền thưởng.
Khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại 13.189 doanh nghiệp với hơn 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành cho thấy, mức thưởng Tết 2015 dành cho người lao động trung bình là 5 triệu đồng/người, tăng 15% so với năm trước đó.
Năm 2014, bình quân thưởng Tết cao nhất là khối doanh nghiệp có vốn nhà nước là 7 triệu đồng/người, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 4,8 triệu đồng/người, còn doanh nghiệp dân doanh là 4,3 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, mức thưởng Tết Âm lịch năm 2014 thấp nhất chỉ ở mức 30.000 đồng/người và còn khoảng 20% doanh nghiệp vẫn chưa có báo cáo thưởng Tết.