Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng đề nghị không nêu tên nhận xét đa phần các món vay từ gói trên đều có giá trị nhỏ và vừa (thường dưới 1 tỉ đồng), giải ngân nhiều lần, cả khách hàng và bên cho vay đều phải qua nhiều công đoạn thẩm định, làm sao để tiền đến đúng đối tượng vì đây là vay ưu đãi, lãi suất 5%/năm (cho phần đã giải ngân trước tháng 6-2016).
Tất nhiên các ngân hàng hầu như không thể tìm được nguồn vốn huy động giá rẻ để cho vay trung, dài hạn với lãi suất như vậy, nên phần chênh lệch sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp bù. “Cái khổ là để được NHNN cấp bù chênh lệch lãi suất cũng không dễ dàng, phải chứng minh các khoản đã giải ngân, cũng qua các thủ tục. Vì vậy chúng tôi chọn đứng ngoài” - vị trên nhấn mạnh.
Không ai phủ định gói 30.000 tỉ đồng đã giúp không ít người thu nhập thấp tiếp cận được vốn ngân hàng và có cơ hội sở hữu căn hộ trong chương trình nhà ở xã hội. Gói tiền trên mang tính dân sinh, nhưng nó cũng góp phần làm ấm lên thị trường bất động sản. Một số chủ dự án đã kịp thời chuyển đổi từ căn hộ cấp cao sang căn hộ dạng nhỏ và bán được sản phẩm.
Câu hỏi đặt ra là liệu có nên có một gói 30.000 tỉ đồng khác sau khi gói đầu tiên kết thúc? Để trả lời câu hỏi này, phải giải một bài toán liên quan không chỉ đến các tổ chức tín dụng, mà cả ngân sách.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM trích từ báo cáo của NHNN (hôm 12-3), đến nay số tiền đã giải ngân từ gói trên là hơn 20.000 tỉ đồng, đạt 66,6%. Phần còn lại, theo giới ngân hàng, chắc chắn sẽ giải ngân hết trong vòng năm tháng kể từ đầu năm nay.
Với mức chiết khấu hiện tại, được quy định trong Thông tư 11/2013 là “thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm”, thì số tiền cấp bù lãi suất (tính ra số tuyệt đối) hoàn toàn nằm trong tầm tay của NHNN. Cho nên chi phí để lập một gói hỗ trợ tương tự tiếp theo cho nhà ở xã hội là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, không phải tất cả dư luận xã hội đều ủng hộ một gói hỗ trợ thứ hai. Một doanh nghiệp bất động sản nói thẳng nếu không được hỗ trợ về quyền sử dụng đất, giải tỏa đền bù và vay ngân hàng ưu đãi, rất khó để có được sản phẩm những căn hộ giá 700-800 triệu đồng hoặc trên dưới 1 tỉ đồng. Còn nếu đảm bảo được giá, chủ đầu tư phải sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng ở mức trung bình. Khi đó có thể nảy sinh vấn đề về chất lượng, thời hạn sử dụng căn hộ.
Chủ một dự án khác lại cho rằng trọng tâm của nhà ở xã hội nằm ở nguồn cung. Nhu cầu nhà ở xã hội tương đối cao, nhưng nguồn cung chưa thể chạy theo đáp ứng kịp và đây là lý do chính giải thích cho việc giải ngân chậm gói 30.000 tỉ đồng.
Theo ông, thực hiện các dự án nhà ở xã hội mặc dù mang lại lợi nhuận ổn định, nhưng mức lợi nhuận thấp hơn hẳn so với các dự án căn hộ cao cấp hay trung tâm thương mại, khu đô thị hạng sang.
Ở đây, cần sự can thiệp của Nhà nước ở vai trò hoạch định chính sách, quy hoạch dự án và tổ chức đấu thầu. Trước mắt, một cuộc khảo sát chuyên nghiệp, kỹ lưỡng về nhu cầu nhà ở xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, làm cơ sở xây dựng tổng thể số lượng, quy mô dự án, sau đó tổ chức đấu thầu chọn chủ dự án với các tiêu chí công khai, minh bạch. Khi đó các ngân hàng có thể tham gia, hỗ trợ người tiêu dùng vay trung, dài hạn mua nhà dựa trên thu nhập.
Ở các nước, tất cả những người có công ăn việc làm ổn định đều được tiếp cận vay vốn ngân hàng không chỉ mua nhà, mà cả các phương tiện thiết yếu như xe cộ. Tài sản thế chấp chính là căn nhà và khi người vay có vấn đề tài chính hoặc mất việc làm, ngân hàng có thể xử lý tài sản đảm bảo ngay để thu hồi nợ.
Nhà ở xã hội và những gói tín dụng hàng chục ngàn tỉ đồng có thể làm thay đổi hẳn cơ cấu cũng như trở thành động lực cho thị trường bất động sản vốn mới chỉ khởi sắc trở lại, nhưng đang bị cơ quan quản lý ngành ngân hàng săm soi vì tín dụng đổ vào đây tăng nhanh hơn mức tín dụng chung.
Ngoài ra, một khi được Nhà nước can thiệp quản lý thông qua những biện pháp thị trường, những ưu đãi bằng việc cấp bù lãi suất mới có khả năng đến được địa chỉ cần đến là tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.