Điều đáng nói là ngay cả khi hệ thống ngân hàng đã và đang được đầu tư sâu rộng về công nghệ thông tin, giúp khách khàng giao dịch mọi lúc mọi nơi, nhưng rút tiết kiệm khác chi nhánh ở một số nhà băng cũng phải trả phí.
Muôn hình vạn trạng các loại phí
Anh Nguyễn Văn Thông cho biết anh có mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (chi nhánh Nam Hà Nội) để thuận tiện trong việc chuyển khoản cho người thân trong gia đình đã có tài khoản ở nhà băng nói trên. Thế nhưng, các phụ phí trong quá trình giao dịch khiến anh cảm thấy cần suy nghĩ lại để chuyển sang giao dịch ở khối ngân hàng thương mại không có vốn nhà nước.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, anh Thông có chuyển khoản bằng tài khoản của mình cho người nhà ở TP HCM 1 tỉ đồng cùng trong hệ thống một ngân hàng nhưng phải tốn phí 0,02% (tương đương 330.000 đồng). Đáng chú ý, khi người nhà anh đến một chi nhánh của ngân hàng này ở TP HCM để nhận tiền cũng phải đóng phí 110.000 đồng.
Trong khi, theo quy định, nếu người gửi chuyển khoản bằng tài khoản thì không phải mất phí khi nhận tiền. Giải thích cho việc thu thêm 110.000 đồng giao dịch tại quầy, ngân hàng trên cho biết vì người nhận mở tài khoản ở chi nhánh TP HCM nhưng lại rút ở chi nhánh Quận 3 nên phải đóng phí rút tiền khác chi nhánh.
Giao dịch viên trên còn cho hay quy định phí rút tiền khác chi nhánh không chỉ áp dụng với việc rút tiền mặt từ tài khoản mà ngay cả thanh toán sổ tiết kiệm tiền gửi cũng mất phí 110.000 đồng (nếu số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên). Thực tế, không chỉ nhà băng này mà gần đây, báo chí đã lên tiếng về vụ việc một khách hàng 78 tuổi gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng có vốn nhà nước nhưng khi rút tại chi nhánh khác chi nhánh gửi trước đó đã được thông báo thu mức phí “rút khác chi nhánh” là 60.000 đồng.
Những thông tin như trên đã khiến nhiều người tỏ ra bức xúc. Vì thực tế việc gửi tiền một nơi và được rút tiền ở nhiều nơi trong cùng hệ thống là điều hợp lý, không lý do gì khách hàng phải đóng phí rút khác chi nhánh, điểm giao dịch. Tuy nhiên hiện nay, một số ngân hàng vẫn thu mức phí này, trong khi khối ngân hàng cổ phần tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi đến khoản phụ phí nói trên. Bởi lâu nay, khách hàng của họ không bị thu phí khi giao dịch khác chi nhánh.
Bên cạnh các khoản phụ phí khi giao dịch tại quầy, khách hàng còn phải “gánh” nhiều loại phí hơn với các sản phẩm thẻ. Các ngân hàng ra sức chào mời mở thẻ, song dịch vụ hậu mãi chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, trong khi vẫn gia tăng các khoản phụ phí.
Chị Nguyễn Minh Anh (Quận Thủ Đức, TP HCM) cho hay chị có sử dụng thẻ của 2 ngân hàng và thường xuyên nhận được các tin nhắn SMS thông báo trừ phí trong tài khoản gồm: phí tin nhắn thông tin tài khoản, phí quản lý tài khoản, phí thường niên…
Còn ông Trần Văn Chương (Quận 9, TP HCM) cho biết trong ví ông hiện có gần chục thẻ của các ngân hàng khác nhau nhưng điều khiến ông ngạc nhiên là vẫn được chào mời mở thẻ của chính một trong 10 nhà băng này.
Dù cạnh tranh quyết liệt, phí dịch vụ vẫn tăng
Cuộc đua giữa các nhà băng đối với thị phần thẻ vốn đã quyết liệt, nay sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi theo Dự thảo Thông tư qui định về hoạt động thẻ ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành cuối năm 2014, có thể cấp thẻ ngân hàng cho người từ 11 tuổi trong thời gian tới.
Người được cấp thẻ phải được người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật chấp thuận bằng văn bản. Dự thảo Thông tư mở rộng hơn đối tượng được sử dụng thẻ so với quy định cũ, nhằm thúc đẩy thanh toán qua thẻ, tạo cơ hội để các ngân hàng gia tăng thị phần thẻ.
Bên cạnh đó, sắp tới đây các công ty tài chính, cho vay tiêu dùng cũng sẽ bước vào cuộc đua khi Chính phủ ban hành Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính có hiệu lực từ ngày 25/6/2014, theo đó, công ty tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một ngân hàng thương mại.
Home Credit và FE Credit cho hay họ đang lên kế hoạch để phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng trong năm tới, trong đó tập trung mạnh vào phân khúc các khách hàng có thu nhập thấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, hiện số lượng thẻ của các ngân hàng phát hành đã gấp 368 lần so với 10 năm về trước và luôn duy trì tỷ lệ tăng trưởng rất cao hàng năm, có năm trên 300%. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng quá nóng, chỉ tập trung vào số lượng khiến thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam luôn tồn tại dai dẳng những nghịch lý.
Bất chấp việc tăng phát hành thẻ, khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt, NHNN đã ban hành Thông tư 35/2012/TT-NHNN, quy định từ năm 2015, ngân hàng có quyền nâng mức thu phí rút tiền nội mạng lên 3.000 đồng/giao dịch. NHNN cũng đưa ra dự thảo thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản.
Trên thực tế lâu nay, các ngân hàng thương mại đã thu phí rút tiền nội mạng nhưng mỗi ngân hàng áp dụng một mức khác nhau. Chẳng hạn tại Vietcombank, mức phí rút tiền và chuyển khoản nội mạng là 1.100 đồng/lần giao dịch, nhưng ở các ngân hàng nhỏ là 3.300 đồng/lần giao dịch hoặc cao hơn. Chưa kể đến việc chủ thẻ phải gánh thêm nhiều loại phí khác như: phí thường niên, phí sao kê, phí in hóa đơn,… khiến cho các chủ thẻ chóng mặt.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ để thanh toán trong mua hàng, người dùng thẻ có thể bị một số chủ cửa hàng thu thêm mức phí khoảng 2-3% trên tổng giá trị hóa đơn phải trả. Đây là điều gây bức xúc, khiến dư luận lên tiếng trong thời gian qua bởi đây là khoản phí phải được chủ các cửa hàng trả cho ngân hàng lắp đặt máy POS, thay vì bắt người dùng phải gánh chịu.