Ngân hàng Nhà nước và báo Người Đại biểu nhân dân vừa tổ chức hội thảo Xử lý nợ xấu – Những vấn đề đặt ra.
Theo báo cáo của Tổng công ty quản lý tài sản (VAMC), từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 52.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ gốc 262.054 tỉ đồng, giá mua nợ luỹ kế 227.848 tỉ đồng. Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản đảm bảo. Sau khi mua nợ, VAMC và các TCTD đã cơ cấu lại nợ 55.603 tỉ đồng, bán nợ 841 tỉ đồng, đôn đốc thu hồi nợ 15.875 tỉ đồng... tổng cộng đã xử lý được 155.362 tỉ đồng liên quan đến 8.400 khách hàng.
Theo báo cáo của các bên liên quan, năm 2012 tỉ lệ nợ xấu là 4,2%, sau khi thực hiện các biện pháp xử lý thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,55% nhưng đến tháng 6-2016 lại có xu hướng tăng lên 2,7%. Các chuyên gia cho rằng việc xử lý bán nợ xấu của VAMC hoàn toàn không dễ dàng nếu không có những giải pháp mang tính đột phá với sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng cơ sở lý luận và kinh nghiệm thế giới cho thấy nợ xấu thường được xử lý bằng 2 phương thức: xử lý trực tiếp giữa các TCTD với khách hàng vay vốn và xử lý qua thị trường, thông qua mua bán nợ, chứng khoán hóa.
Trong đó, khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hoá nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành.
Phương thức xử lý nợ xấu này là sự hợp tác của cả 3 chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại, đồng thời là sự kết hợp của cả phương thức xử lý trực tiếp và gián tiếp qua thị trường, đảm bảo trách nhiệm đầy đủ của nhà nước, NHTM và doanh nghiệp.
LS Trương Thanh Đức cho rằng có 3 sai lầm khi xử lý nợ xấu từ trước đến nay là đổ hết lỗi cho ngân hàng, phó thác cho ngân hàng xử lý, cả hệ thống không vào cuộc, không sửa đổi pháp luật để xử lý nợ xấu. “Tôi cho rằng nếu không nhìn thẳng vào sự thật là nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay không dưới 10% đúng như khuyến cáo của IMF thì sẽ không thấy được nguy cơ để có quyết tâm xử lý” - LS Trương Thanh Đức nói.
Theo TS Cấn Văn Lực – hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì hiện nay có 3 con số về nợ xấu. Cụ thể, BIDV tính toán nợ xấu hiện khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, theo tính toán của Thuỵ Sĩ là khoảng 8% còn theo IMF là 10-11%. Đã đến lúc phải có cơ chế đột phá để xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả vì 3 năm qua, nợ xấu mới được dẹp sang một bên khi bán cho VAMC.
TS Cấn Văn Lực đề xuất cần có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu vì hiện nay liên quan đến quá nhiều luật nếu chờ sửa từng luật thì không có thời gian. Bên cạnh đó, cần hình thành thị trường mua bán nợ, cho phép VAMC bán lỗ và phải có cơ chế tài chính từ ngân sách để xử lý nợ xấu.
Nhất trí cao với đề xuất cần có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng đạo luật này nên có thời gian hiệu lực nhất định, khoảng 3-5 năm cho đến khi xử lý nợ xấu có hiệu quả.