Ngày 26-8, ngân hàng ANZ Việt Nam công bố số liệu về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 8 (ANZ-Roy Morgan) sụt giảm 4,9 điểm xuống còn 133,7 điểm và thấp hơn mức 135,5 điểm của cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm trải đều ở tất cả các hạng mục trong cuộc khảo sát.
Cụ thể, xét về tình hình tài chính cá nhân, chỉ có 31% người được hỏi (tháng 7 là 34%) cho rằng tình hình tài chính của gia đình họ hiện tại “tốt hơn” năm ngoái - đây là mức thấp nhất cho chỉ số này kể từ tháng 11-2014. Ngược lại, 22% người tiêu dùng nói tài chính gia đình họ xấu hơn (tăng 1 điểm phần trăm so với tháng trước).
58% người được hỏi kỳ vọng tình hình tài chính của gia đình họ sẽ tốt hơn vào thời điểm này năm tới, trong khi tỉ lệ này hồi tháng 7 là 63%. Bên cạnh đó, 6% người tiêu dùng dự đoán tình hình tài chính gia đình họ sẽ xấu hơn trong thời gian tới.
Xét về dài hạn, 55% người tiêu dùng (giảm mạnh so với mức 64% của tháng 7) kỳ vọng rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới – mức thấp nhất cho chỉ số này kể từ tháng 5-2014, so với 7% người tiêu dùng Việt Nam dự đoán rằng tình hình kinh tế sẽ ở “trạng thái xấu”.
Tuy nhiên, ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ, lại cho rằng: Việt Nam đang ở trạng thái bình ổn một cách xuất sắc khi chống đỡ với suy thoái thương mại trong khu vực. Và là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực về xuất nhập khẩu. Đây là nơi mà niềm tin người tiêu dùng - và chắc chắn cả niềm tự hào - đang rất hưng thịnh.
Lý giải nguyên nhân niềm tin người tiêu dùng lại giảm mạnh trong tháng 8, từ góc độ kinh tế, nhóm nghiên cứu của ANZ cho rằng trong tháng 8, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã sử dụng đến những tác động chính sách như nới biên độ tỉ giá và giảm giá tiền đồng lần thứ 3 trong năm. Sự phá giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc vào đầu tháng 8 có thể đã dấy lên lo ngại về sự suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
“Sự giảm sút niềm tin về triển vọng nền kinh tế trong 12 tháng tới và 5 năm kế tiếp cho thấy các hộ gia đình Việt Nam có thể đã cho rằng các động thái cẩn trọng của những nhà hoạch định chính sách là một dấu hiệu của sự suy giảm. Nhưng, trong khi các đợt giảm giá tiền đồng vào cuối những năm 2000 cho thấy một nền kinh tế suy yếu cùng các vấn đề nội địa khác. Đợt giảm giá tiền đồng lần này là nhằm mục tiêu đảm bảo một nền kinh tế đang vững mạnh, sẽ không bị suy yếu về khả năng cạnh tranh thương mại do sự không tương xứng về tỉ giá” - ông Glenn Maguire bình luận.
Mặc dù niềm tin tiêu dùng sụt giảm trong tháng 8 nhưng người dân vẫn không tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn như thường thấy trong thời gian trước. Cụ thể là khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, , Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá khiến giá vàng trong nước cũng “nổi sóng”, nhưng thực tế nhu cầu mua vàng trên thị trường không tăng đột biến. Thậm chí nhiều thời điểm, giá vàng tăng cao theo giá thế giới đã xuất hiện lực bán mạnh khiến giá vàng không trụ lại được mốc cao và quay đầu giảm. ANZ cũng nhiều chuyên gia khác đều đồng ý rằng vàng đã không còn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn của nhà đầu tư trong nước.
Tính đến 15 giờ ngày 26-8, giá vàng SJC tại TP HCM được niêm yết mua vào 34 triệu đồng/lượng, bán ra 34,55 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 600.000 đồng/lượng so với cuối phiên trước nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 3,6 triệu đồng/lượng.