Đang là cao điểm chi lương thưởng tết hằng năm, các ngân hàng (NH) không chỉ tăng cường phục vụ tết mà còn lo phòng chống tội phạm thẻ.
Lại “tin bợm, mất bò”
Ông N.C.Cường (đường Phan Anh, Q.Bình Tân, TP HCM) cho biết khoảng 21g ngày 21-12, vợ ông nhận được tin nhắn qua Facebook của người em họ đang sống tại Mỹ.
Sau vài ba câu hỏi thăm sức khỏe gia đình, “người em” này hỏi vợ ông có đăng ký tài khoản online không và xin số tài khoản để chuyển về 35 triệu đồng nhờ chuyển giúp cho người thân.
Ngay sau khi được cho số tài khoản và số điện thoại của ông Cường, “người em” này bảo đã chuyển tiền rồi.
“Liền lúc đó điện thoại của tôi nhận được một tin nhắn giả là số của Money Gram thông báo tài khoản của tôi nhận được số tiền 35 triệu đồng, kèm yêu cầu nhấp vào một đường link để xác nhận”, ông Cường kể.
Sau khi nhập vào link dẫn đến trang web 123contactform.com, vợ ông Cường được hướng dẫn nhập tên NH, tên chủ thẻ, dãy số in trên thẻ, ngày hết hạn của thẻ... để được gửi một mã OTP về điện thoại. Sau khi nhập mã OTP, tài khoản có tiền luôn.
“Người này còn yêu cầu vợ tôi chụp hình thẻ ATM của tôi và CMND để gửi qua Facebook nữa. Nhưng sau khi cung cấp hết thông tin, tôi nhận được tin nhắn tài khoản... bị trừ 43 triệu đồng”, ông Cường cho biết.
Nghi bị lừa đảo, ông Cường gọi điện thoại lên NH và được cho biết tài khoản của ông vừa thực hiện một giao dịch chuyển khoản online đến tài khoản mang tên Trần Thị Thanh Xuân. Do chuyển khoản trong cùng hệ thống nên thời điểm ông Cường phản ảnh, giao dịch đã hoàn thành.
Khi liên hệ với người em bằng điện thoại, ông Cường mới biết người em đã bị đánh cắp tài khoản Facebook và đối tượng lừa đảo đã đọc hết thông tin cũng như cách xưng hô của người em khi nói chuyện và đi lừa hàng loạt người thân.
Ngoài ông Cường, thêm 5 người thân khác nữa của ông Cường cũng bị đối tượng này lừa, trong đó một người đã cung cấp thông tin và bị mất 8 triệu đồng.
“Do công việc xây dựng vất vả tôi ít theo dõi các thông tin trên báo. Chỉ sau khi bị mất tiền tôi mới lên mạng đọc thông tin và rất bất ngờ vì trước đó bọn tội phạm đã dùng chiêu thức này để lừa hàng loạt người.
Tuy nhiên tôi cũng muốn phản ảnh sự việc của mình để mong người khác cảnh giác, tránh bị rơi vào hoàn cảnh giống như tôi, gần tết mà bị mất gần hết số tiền đã dành dụm cả năm qua”, ông Cường nói và cho biết đang làm hồ sơ để trình báo với cơ quan công an cũng như với NH nơi ông mở thẻ.
Ngân hàng ráo riết chống tội phạm
Trường hợp của ông Cường không phải là cá biệt. Ngoài việc lừa hàng loạt người với chiêu thức tương tự, bọn tội phạm còn lắp thiết bị ghi lén dữ liệu tại ATM đồng thời lắp camera ghi lại mật khẩu, sau đó chế tạo thẻ giả và rút tiền.
Mới đây, một khách hàng đã mất hàng trăm triệu đồng do bị ghi lén dữ liệu khi rút tiền tại ATM.
Ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng ATM của Vietcombank chi nhánh TP.HCM, cho biết NH đang lắp thêm các thiết bị che bàn phím khi nhập mật mã. Đây là thiết bị che chắn nhằm đảm bảo trong trường hợp tội phạm lắp thiết bị ghi lén thông tin thẻ thì chủ thẻ cũng không bị lộ mật mã.
“Dù việc này hơi phiền toái khách hàng một chút nhưng lại an toàn”, ông Hà nói.
Đại diện trung tâm thẻ Agribank cho biết 100% máy ATM của NH này đã được trang bị phần mềm chống sao chép thông tin chủ thẻ. Tuy nhiên trên thực tế, do việc đầu tư hệ thống này tại một số NH khác chưa đồng bộ nên vẫn có trường hợp chủ thẻ gặp rủi ro, bị sao chép thông tin.
“Trước tình trạng tội phạm thẻ rộ lên thời gian qua, NH cũng áp dụng nhiều biện pháp tăng cường an ninh, an toàn cho khách hàng khi giao dịch ATM, đồng thời có văn bản chỉ đạo đến các chi nhánh trên toàn hệ thống”, đại diện Agribank cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Phúc - giám đốc trung tâm thẻ Sacombank - cho biết ngoài việc lắp tấm che bàn phím nhằm hạn chế tình trạng đối tượng gắn camera quay lén, hằng ngày nhân sự lau chùi máy sẽ kiểm tra trên máy ATM và trong buồng máy có bị gắn vật lạ hay không.
Trường hợp khách hàng rút tiền phát hiện trên máy có vật lạ, nên gọi vào số điện thoại đường dây nóng dán sẵn trên máy để báo về cho NH.
“Trong việc này cần sự phối hợp giữa các bên, NH có trách nhiệm giám sát thường xuyên, nhưng người dùng cũng cần có ý thức để phòng chống tội phạm cùng với NH”, ông Phúc nói.
Cẩn trọng khi mua sắm dịp năm mới
Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo, đồng thời chia sẻ một số thao tác cơ bản để người tiêu dùng bảo vệ túi tiền của mình trước hiện tượng lừa đảo qua mạng tăng cao.
Ông Nguyễn Đức Thịnh - giám đốc các chi nhánh miền Bắc, khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC VN - khuyến cáo chủ thẻ không nên chia sẻ quá nhiều về cá nhân trên mạng xã hội và các trang web tương tác vì các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng những thông tin này để xâm nhập tài khoản.
Ngoài ra, cần xem xét cẩn thận các thư điện tử, tin nhắn điện thoại và các trang web, bởi các công ty uy tín sẽ không bao giờ tự ý gửi thư điện tử yêu cầu khách hàng xác nhận các chi tiết liên quan đến bảo mật và thông tin cá nhân.
“Ngay cả các chứng từ cần hủy phải được hủy một cách cẩn thận vì các đối tượng lừa đảo sẽ lục lọi thùng rác của các gia đình để tìm kiếm những thông tin có ích cho chúng”, ông Thịnh khuyến cáo.
Ông Nguyễn Hữu Phúc khuyến cáo chủ thẻ không trả lời các email lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ..., bởi các đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thật.
Chủ thẻ chỉ nên mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín, chỉ sử dụng thẻ trả trước quốc tế cho một số trường hợp cần thiết và nộp đúng số tiền cần giao dịch.
Đặc biệt, cần hạn chế dùng máy tính, mạng WiFi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử”, ông Phúc nói.