Cả “rừng” quà tặng…
Chỉ mới đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết vừa qua, chị Hồng Thu (Q.7, TP HCM) lập tức nhận được nhiều cuộc gọi từ các nhân viên ngân hàng (NH) mời mở thẻ tín dụng. Trong đó, một NH đưa ra ưu đãi gồm miễn phí thường niên năm đầu tiên; khách hàng được hoàn tiền 2 triệu đồng nếu trong tháng đầu tiên chi tiêu tối thiểu từ 2 triệu đồng; sử dụng thẻ trong vòng 55 ngày không tính lãi…
NH khác đưa chính sách tặng một xe đạp thời trang trị giá khoảng 4 triệu đồng nếu chi tiêu tối thiểu 3 triệu đồng, khách sẽ nhận thêm một bộ phụ kiện xe đạp miễn phí nếu tổng chi tiêu đạt 15 triệu đồng… “Trong tay mình đã có 2 thẻ tín dụng của cả NH trong nước và ngoài nước, nhưng nghe các điều kiện mở thẻ hấp dẫn thì cũng phải suy nghĩ”, chị Hồng Thu chia sẻ.
Tương tự, chị Ngọc Hà (Q.3, TP HCM) cho biết cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các NH mời mở thẻ tín dụng. Có NH đưa chính sách tặng vali du lịch trị giá đến 3 triệu đồng, thẻ vào phòng chờ VIP tại nhiều sân bay trong ngoài nước, nhiều chương trình giảm giá khi mua sắm.
NH khác ngoài tặng vali, túi xách còn miễn phí thường niên năm đầu, hoàn lại tiền 0,5% giá trị cho mọi giao dịch của khách hàng chi tiêu bằng thẻ mà không cần phân biệt giao dịch mua sắm hay rút tiền mặt… “Thấy khuyến mãi nhiều, mình cũng muốn mở một thẻ tín dụng quốc tế vì cũng có khi cần chi tiêu bằng thẻ như mua vé máy bay, đặt phòng du lịch. Nhưng phải xem các loại phí của NH thế nào đã. Những ưu đãi khi mở thẻ thì chỉ có một lần, còn mức phí khi sử dụng thì hằng tháng, hằng năm và có khi tốn rất nhiều, giá trị khuyến mãi chẳng thấm vào đâu”, chị Hà thận trọng.
Nhớ tìm hiểu phí
Đúng như chị Hà phân tích, việc mở thẻ tín dụng hiện nay đang được các NH khuyến mãi nên thủ tục, điều kiện khá dễ dàng. Tuy nhiên, có rất nhiều loại phí mà người dùng cần phải tìm hiểu kỹ để không bị mất tiền oan trong quá trình sử dụng.
Đầu tiên là phí thường niên của thẻ tín dụng quốc tế. Trong khi tại các NH nội địa mức phí tùy loại thẻ chỉ từ 200.000 - 500.000 đồng/năm thì ở các NH nước ngoài cao hơn, từ 500.000 - 1,5 triệu đồng/năm. Nếu bị mất thẻ và yêu cầu cấp lại, các NH sẽ thu phí 100.000 - 200.000 đồng/thẻ.
Đặc biệt, các NH đều đang áp dụng thời gian miễn lãi từ 45 - 55 ngày cho khách hàng nhưng chỉ được áp dụng khi khách hàng thanh toán đủ số tiền đã chi tiêu trước đó. Trường hợp khách hàng chỉ thanh toán ở hạn mức tối thiểu khi đến hạn (thường NH đưa ra là 5% dư nợ) thì số tiền còn nợ lại vẫn bị NH tính lãi suất từ 2 - 6%/tháng (hay còn gọi là phí chậm thanh toán). Đây là điều kiện khách hàng cần chú ý, bởi hiện vẫn có nhiều người dùng chỉ thanh toán đúng số tiền tối thiểu NH yêu cầu mà không nghĩ là mình phải trả lãi cao ngất ngưởng cho khoản nợ còn lại.
Một lưu ý nữa là các NH đều áp dụng phí quản lý các giao dịch nước ngoài (có NH ghi là phí chuyển đổi ngoại tệ) từ 2 - 4% nếu khách hàng có giao dịch ở các nước khác. Bên cạnh đó, nếu khách hàng chi tiêu vượt hạn mức NH đã cấp thì phí này được tính từ 2,5 - 5%/số tiền vượt hạn mức.
Riêng mức thu phí khi khách hàng dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt lên đến 4 - 5% doanh số rút tiền, tùy theo NH và tùy loại thẻ. Ngoài ra, nhiều NH áp dụng thêm hàng loạt mức phí khác như phí chuyển tiền dư từ thẻ sang tài khoản thanh toán của khách hàng, phí cấp lại pin, phí in sao kê hoặc cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch, phí khiếu nại, phí thay đổi hạn mức tín dụng, phí xác nhận hạn mức tín dụng…
“Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán hiện đại, tiện lợi nhưng người dùng nên tìm hiểu kỹ các điều kiện để lựa chọn NH phù hợp, có tính bảo mật cao, nhằm tránh mất nhiều loại phí hoặc dễ bị mất cắp tiền trong thẻ”, một chuyên gia tài chính lưu ý.