Ngày 25-12, Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã áp dụng biểu niêm yết lãi suất huy động mới, giảm dần ở các kỳ hạn ngắn khoảng 0,05%/năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,65%/năm, 2 tháng 4,7%/năm và 3 tháng là 4,9%/năm. Mức cao nhất chỉ còn 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, trong khi các kỳ hạn từ 15-36 tháng lãi suất cao nhất chỉ là 6,4%/năm.
Trước đó hai ngày, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã áp dụng mức lãi suất huy động mới, giảm kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,8%/năm và 3 tháng là 4,9%/năm… Hay như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thuộc nhóm có vai trò định hướng thị trường cũng thông báo điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 24-60 tháng xuống 6,2%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước.
Dù trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được NH Nhà nước áp dụng là 5,5%/năm nhưng phần lớn các NH cổ phần đều đưa về dưới 5%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng. Xu hướng gửi càng dài, lãi suất càng cao đang giúp NH thương mại hình thành đường cong lãi suất. Nhưng chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn đang ngày càng thu hẹp. Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường ở khối NH cổ phần nhỏ cũng chỉ dao động từ 8%-8,05%/năm.
Một phó tổng Sacombank cho biết do mặt bằng lãi suất của NH có cao hơn thị trường nên đã điều chỉnh giảm khoảng 0,05%/năm. Hạ lãi suất là tất yếu trong bối cảnh đầu ra không tăng nhiều và huy động vẫn ổn định.
Các NH cho rằng lãi suất giảm sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn và dòng tiền có thể từ ngân hàng đi ra các kênh đầu tư khác, hoặc chảy vào nền kinh tế. “Nếu so với trước đây, lãi suất có thể “teo tóp” thật nhưng nếu so với mặt bằng chung với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… lãi suất của Việt Nam vẫn cao. Người gửi tiền vẫn còn lợi do lạm phát năm nay thấp chỉ tăng 1,84%, chỉ là người dân đã quen với việc hưởng lãi suất cao” - đại diện một NH nhìn nhận.
Theo ông, nếu lãi suất thấp, nhà đầu tư có thể chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Nhìn ở góc độ vĩ mô thì vẫn tốt cho nền kinh tế khi người dân rút tiền ra khỏi NH và đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, lãi suất cho vay giảm sẽ kích thích doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, những người làm công ăn lương, người lãnh lương hưu có số tiền tiết kiệm ít ỏi ở NH lại khá băn khoăn vì số tiền lãi nhận được đang ngày càng teo tóp, trong khi họ lại chẳng có định hướng nào để kinh doanh hoặc đầu tư sinh lời.