Thời gian qua, vay tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Hiện nay các khoản cho vay tiêu dùng khá đa dạng như cho vay mua ô tô, mua nhà, đồ dùng gia đình.
Miếng bánh thơm
Hàng loạt ngân hàng đang “vắt chân lên cổ” chạy xin thành lập mới hoặc sáp nhập, mua lại công ty tài chính để mở rộng cho vay tiêu dùng. Mới đây nhất, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho hay đang xúc tiến các thủ tục để thành lập Công ty Tín dụng tiêu dùng Vietcombank.
“Trước đó chúng tôi đã nghiên cứu xu hướng, tiềm năng và thấy đây là lĩnh vực hiệu quả” - ông Thành giải thích. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, NamAbank… cũng cho biết sẽ sớm thành lập công ty tài chính.
Trước đó, không ít vụ mua bán, sáp nhập đình đám đã diễn ra. Điển hình là Ngân hàng MaritimeBank mua lại Công ty Tài chính Dệt may; Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa Chất; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà.
Các chuyên gia dự báo năm nay xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Lý do là tới đây các ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng có thể buộc phải thành lập công ty tài chính. Mặt khác, mảng cho vay tiêu dùng đang được coi là “miếng bánh thơm” mà không ai muốn bỏ. Đơn giản với quy mô dân số trên 90 triệu người, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn.
Nói về vấn đề này, ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail - đơn vị hợp tác với nhiều công ty tài chính, cho hay hồ sơ mua hàng sử dụng vay tài chính năm ngoái của FPT Shop đã tăng 100% so với cùng kỳ năm trước và 30% doanh số đến từ các hợp đồng tín dụng trả góp. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2015 của VPBank cho thấy riêng Công ty Tài chính Tiêu dùng FE Credit đạt hơn 1.000 tỉ đồng lợi nhuận.
Dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay khá đa dạng. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu thủ tục để vay tiền mua xe. Ảnh: NS
Người đi vay có thể hưởng lợi
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh thông tin dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng đang phát triển khá mạnh. Vào cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ mới chiếm 2,3% tổng dư nợ, tương đương khoảng 16.000 tỉ đồng.
Nhưng đến cuối năm ngoái, dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong vòng năm năm dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp năm lần.
“Việc tăng trưởng mạnh cho vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu của thị trường. Đặc biệt khi thị trường cho vay tiêu dùng phát triển và nhiều công ty tài chính ra đời sẽ góp phần làm giảm đi tình trạng vay nặng lãi” - ông Minh nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi ngày càng có nhiều công ty tài chính tham gia thị trường thì cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Từ đó, chắc chắn miếng bánh lợi nhuận cho vay tiêu dùng sẽ được san sẻ. Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa các công ty tài chính sẽ giúp cho dịch vụ cho vay tốt hơn, lãi suất cho vay tiêu dùng giảm hơn so với trước đây và người đi vay sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Quan trọng hơn, tín dụng tiêu dùng góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, nhất là những đối tượng có thu nhập trung bình thấp. Bởi thông thường các đối tượng này bị các ngân hàng thương mại từ chối cho vay vì khó chứng minh khả năng trả nợ.
“Vay tiêu dùng giúp người vay có một kênh cho vay chính thống có sự quản lý của Nhà nước. Qua đó, góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay không chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” và rủi ro lớn”, một chuyên gia ngân hàng phân tích.
Không chỉ vậy, hiện nay để thu hút khách hàng, nhiều công ty tài chính tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, các loại hình dịch vụ cho vay tiêu dùng qua đó giúp người vay có nhiều sự lựa chọn. Chẳng hạn FECredit phát hành thẻ tín dụng, JACCS cho vay mua xe hơi.
Tuy vậy, một số người vay phàn nàn lãi suất vay tiêu dùng vẫn còn cao so với ngân hàng, đặc biệt tại các công ty tài chính. Lý giải về điều này, một số công ty tài chính cho rằng loại hình vay tiêu dùng có rủi ro và chi phí cao nên để bù đắp rủi ro họ thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường.
Tuy vậy, trước thực tế này NHNN đã từng yêu cầu các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí; giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn.
Lưu ý khi vay tiêu dùng
Nhiều chuyên gia khuyến cáo để vay tiêu dùng hiệu quả, bản thân người đi vay cũng cần được trang bị kiến thức và bồi dưỡng nhận thức về quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính hộ gia đình. Đặc biệt, khi vay tiêu dùng cần xem xét kỹ lãi suất được tính theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu, thời gian ưu đãi kéo dài trong bao lâu; thời gian vay càng ngắn thì khoản phải trả định kỳ càng cao và ngược lại.
Bên cạnh đó, người vay cần tìm hiểu kỹ về phí phạt trễ hoặc thanh toán trước hạn là bao nhiêu để không bỡ ngỡ; đồng thời lưu ý cân đối ngân sách và khả năng trả nợ, tỉ lệ dành cho trả nợ chỉ nên chiếm tối đa 40% tổng thu nhập/tháng của một người hay một gia đình.
Theo NHNN, trong bảy năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Vay tiêu dùng đang còn rất nhiều tiềm năng phát triển.