Theo quy định, tất cả chi phí đầu vào liên quan đến ATM đều được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 100%. Thế nhưng vừa qua nhiều ngân hàng cho biết sau khi thanh tra, kiểm tra các kỳ thuế ngân hàng đã bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt khi thực hiện quy định khấu trừ thuế GTGT đối với chi phí đầu vào ATM.
Điều này dấy lên lo ngại chi phí đầu vào đối với các hoạt động liên quan đến ATM bị tăng sẽ khiến chi phí các dịch vụ liên quan khác tăng mà khách hàng sẽ là người gánh chịu.
Chưa thống nhất giữa cơ quan thuế và ngân hàng
Lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM phân tích hoạt động của ATM là cung cấp dịch vụ thanh toán (chủ yếu có ba giao dịch chính là sao kê, rút tiền mặt và chuyển tiền trong hệ thống) đều đã có thuế GTGT đầu ra. Ngoài ra, ATM còn có các giao dịch khác như nộp tiền, in sao kê…
Tuy nhiên, quy định đã nói rõ thuế GTGT đầu vào liên quan đến ATM phải được khấu trừ 100%. Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định ATM là thiết bị phục vụ các giao dịch thanh toán thẻ như nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin, in sao kê ATM…
Do vậy các ngân hàng đều cho rằng ATM không phải là hoạt động cấp tín dụng mà đơn thuần chỉ phục vụ cho hoạt động thanh toán.
Phía cơ quan thuế lý giải máy ATM còn là công cụ cấp tín dụng vì trên máy có sử dụng thẻ tín dụng. Khách hàng có thể dùng thẻ tín dụng này để rút tiền mặt. Vì vậy đây là hoạt động cấp tín dụng vì khách hàng vay của ngân hàng chứ không phải rút tiền trong tài khoản của mình. Do vậy cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng phải phân bổ theo tỉ lệ giữa doanh thu dịch vụ trên tổng doanh thu của ngân hàng để đóng thuế.
Giải thích về việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho rằng máy ATM chỉ đóng vai trò như một giao dịch viên cung cấp dich vụ giải ngân tín dụng cho khách hàng. Doanh thu tạo ra chỉ là phí rút tiền mặt phải chịu thuế GTGT. Còn số tiền mặt mà máy ATM đã giải ngân cho khách hàng là nằm trong hạn mức tín dụng nói trên và được hạch toán riêng tại nghiệp vụ tín dụng. Hơn nữa số người sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt là rất ít.
Nhiều người lo ngại các dịch vụ từ hoạt động ATM sẽ bị tăng phí. Ảnh: HTD
Hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ liên quan ATM
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng về lý cơ quan thuế thu phí đối với một số giao dịch mà khách hàng dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt. Vì đây là thẻ tiêu trước trả sau và khuyến khích không dùng tiền mặt, thế nên khi khách hàng rút tiền nghĩa là “đang vay tiền” của ngân hàng. Với giao dịch này ATM lúc này hoạt động như dạng cấp tín dụng chứ không phải thanh toán.
Tuy nhiên, đến nay số lượng sử dụng các loại thẻ tín dụng tại Việt Nam còn chưa nhiều. Trong số đó, ở mỗi thẻ khách hàng cũng được quy định chỉ được rút tiền mặt tối thiểu khoảng 20%, 30% trong tổng hạn mức được cấp mà thôi.
Vậy nên ngay cả khi ngân hàng cho khách hàng rút tiền với tỉ lệ cao hơn lên tới 50% thì tỉ lệ này cũng không nhiều. Tất nhiên nếu cộng lại tỉ lệ này ở tất cả ngân hàng thì số tiền sẽ tăng lên. Song chúng ta chia tỉ lệ % để thu thuế GTGT trong bối cảnh hiện nay là không nên.
Lý do, theo ông Hiếu, Việt Nam đang khuyến khích người dân không dùng tiền mặt thì việc truy thu thêm thuế trong hoạt động ATM có thể gián tiếp làm tăng phí ATM.
“Nếu bắt buộc phải tăng phí, tôi nghĩ ngân hàng chỉ nên tăng phí từ các giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, ở các nước phát triển trên thế giới tuy cũng có tỉ lệ nào đó (không nhiều), người ta dùng thẻ tín dụng để “vay tiền”. Nhưng cũng không ai chia tỉ lệ để đánh thuế từ hoạt động ATM. Nói chung mọi thứ liên quan đến ATM tại các nước này 100% đều được hoàn thuế GTGT” - ông Hiếu nói.
Hiện nay chúng ta đang hướng tới việc khuyến khích không dùng tiền mặt thế nên mới có yêu cầu trả lương qua thẻ… Việc thu tỉ lệ nào đó trong các giao dịch liên quan đến ATM cũng có thể khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng lên. Trong khi ngân hàng không thể vì tăng chi phí mà không đầu tư thêm vào chất lượng dịch vụ các hoạt động của ATM được.
Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, chuyên gia tài chính ngân hàng