Ngày 5-7, giá vàng kết thúc ở mức 36,35-36,9 triệu đồng/lượng, nối tiếp gần một tuần giá tăng liên tục. Chưa dừng ở đó, do thị trường đồn đoán rằng giá vàng có thể lên tới 40 triệu đồng/lượng hoặc còn có thể cao hơn nữa nên người dân đã đổ xô đi mua vàng ngày 6-7, đẩy giá vàng tăng vọt tới mức đỉnh là 38,8-39,8 triệu đồng/lượng và cuối cùng chốt phiên ở mức 38,7-39,7 triệu đồng/lượng, là mức cao nhất kể từ tháng 6-2013. Chênh lệch giữa mua vào, bán ra lên tới hơn một triệu đồng.
Tuy nhiên, sang ngày 7-7, từ lúc mở phiên giá vàng đã nhanh chóng lao dốc xuống còn 37,7 triệu đồng/lượng, giảm đến hơn 2 triệu đồng/lượng so với đỉnh ngày 6-7.
Đã có một số ý kiến can ngăn, kêu gọi nhà đầu tư thận trọng với biến động bất thường của vàng, kẻo phải gánh lỗ nặng khi vàng lao dốc, do thị trường hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn rất cao và sự lao dốc như trên được xem như là sự ứng nghiệm cho lời can ngăn, cảnh báo trên.
Nhưng việc can ngăn, cảnh báo trên xem ra đúng trong mọi hoàn cảnh nên thực ra vì thế không mấy trọng lượng. Ranh giới giữa nhà đầu tư (nhằm mục đích bảo toàn tài sản khi rủi ro của những loại tài sản tài chính khác tăng lên) và nhà đầu cơ (nhằm mục đích lướt sóng kiếm chênh lệch giữa mua và bán) là rất mờ nhạt.
Rất có thể ban đầu sự kiện Brexit kích hoạt hành động đầu tư bảo toàn tài sản khi các đồng tiền khác nhảy nhót, và triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn. Nhưng hành động này đã và sẽ dẫn đến giá vàng biến động theo hướng tăng nhanh và mạnh, nên nó lập tức cũng kích hoạt hành động đầu cơ lướt sóng, với suy tính rằng giá vàng sẽ phải đạt ít nhất là từng này, từng kia trong ngày đó. Cả 2 hành động này sẽ tiếp tục “nương” vào nhau mà thúc đẩy người ta dốc toàn lực lao vào đánh cược với thị trường và đẩy giá vàng đi lên.
Một điểm đặc biệt “thuận lợi” cho cơn sốt vàng là sau khi Brexit diễn ra, người ta không/chưa trông thấy yếu tố khả quan nào khác làm dịu các rủi ro đang hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu. Ngược lại, chỉ thấy toàn những tin làm lợi cho giá vàng như Fed dường như sẽ tiếp tục trì hoãn (vô thời hạn) tăng lãi suất hay Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, còn các tổ chức quốc tế thì thi nhau hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng “thuận lợi” không kém là thực tế giá vàng trong nước vẫn còn thấp hơn giá vàng quốc tế, trong khi giá vàng quốc tế vẫn tiếp tục xu hướng đi lên kể cả trong ngày 7-7 là ngày giá vàng trong nước điều chỉnh mạnh.
Chưa hết, đối nghịch với áp lực cầu về vàng tăng đột ngột và mạnh, nguồn cung vàng trong nước thì bị khóa chặt ở đầu nhập khẩu do chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trước những diễn biến bất lợi về cung và cầu như trên thì giá vàng tăng lên và tăng mạnh là chuyện hiển nhiên. Tất nhiên là giá vàng hay giá của bất cứ thứ gì cũng vậy sẽ không thể đi lên mãi mà phải có một điểm dừng nào đó, trước khi đổ sụp.
Vì điều này chắc chắn xảy ra nên ý kiến can ngăn, cảnh báo nói ở trên kiểu gì cũng đúng, không sớm thì muộn, không xảy ra ngay trong ngày, trong tuần này thì ắt sẽ phải xảy ra trong… năm nay hoặc năm sau! Giá như có ai đó chỉ ra trước được rằng giá vàng sẽ lên đỉnh là 39,9 triệu đồng/lượng vào ngày 7-7, và chớ có nên mua vào ở cái giá đỉnh điểm này, thì đó mới là lời can ngăn, cảnh báo đắt giá và đáng mang ra bàn ở đây.
Bằng không, chừng nào còn sóng (mạnh), còn những lời đồn đoán có lý (ví dụ, dựa trên phân tích cung cầu như trên) và cả “đoán mò”, còn những yếu tố ủng hộ xu thế tăng giá của vàng thì chừng đó người ta sẽ còn tiếp tục “sống chết” với vàng, và không lời can ngăn, cảnh báo chung chung nào kiểu trên có thể ngăn cản được cơn sốt vàng. Nói cách khác, với diễn biến hiện nay của thị trường quốc tế thì sự điều chỉnh mạnh của giá vàng hôm 7-7 rất có thể chỉ là sự tạm nghỉ ngắn ngủi.
Nếu muốn “cầm cương” thị trường vàng như đã từng tuyên bố và được lặp lại mới đây thì NHNN có một giải pháp khả thi là tung vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình ra bán (bán đấu thầu vàng như thực hiện trong năm 2014) với giá chỉ định nào đó thấp hơn giá thị trường.
Nhưng vì số vàng dự trữ có hạn nên nếu áp lực thị trường tiếp tục tăng lên thì việc bán vàng can thiệp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Ngoài ra, vì giá vàng thế giới vẫn đang xu hướng đi lên và cao hơn giá trong nước nên kể cả việc NHNN mua vàng về bán trong nước qua đấu thầu hay cho phép nhập khẩu vàng, thì về nguyên tắc, cũng không làm dịu cơn sốt vàng trong nước.
NHNN cũng có thể phải dùng đến những giải pháp hành chính như quy định đối tượng được mua, được bán vàng, và số lượng vàng được mua/bán trong mỗi giao dịch, đồng thời nhờ lực lượng công an và kiểm soát thị trường kiểm tra, phát hiện và xử phạt các giao dịch vàng không chính thức v.v… Nhưng việc này cũng sẽ không mấy tác dụng, vì nó cũng tương tự như chuyện kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do.
Về ảnh hưởng giữa giá vàng với ngoại tệ, không nói đến kênh liên thông thường nghĩ đến giữa giá vàng và ngoại tệ ở Việt Nam là khi giá vàng tăng thì nhu cầu USD tăng lên để đáp ứng việc nhập vàng lậu.
Hiện, khi mức độ rủi ro và bất ổn của cả kinh tế thế giới đều tăng lên, trong khi giá vàng đã tăng mạnh và đứng ở mức cao, có thể làm nhiều nhà đầu tư/đầu cơ chùn tay, thì sự chú mục sẽ được chuyển sang những hầm trú ẩn an toàn và là phương tiện lướt sóng khác.
Hiện tại, rõ ràng là nhìn đi nhìn lại thì chỉ thấy có USD là đáp ứng được mục đích này, đặc biệt là khi tỉ giá đang rất ổn định ở mức thấp trong khi các bản tệ khác biến động mạnh. Do đó, có thể nói tỉ giá VND/USD sẽ chịu thêm áp lực từ giá vàng tiếp tục gia tăng, ít nhất trong ngắn hạn.