Cô bạn có lẽ không biết gì về những tranh cãi “phá giá” hay “không phá giá”, cô cũng không quan tâm đến cán cân thanh toán... nhưng rõ ràng tỷ giá hiện đang có lợi cho cô và cô muốn im lặng hưởng cái lợi đó.
Hưởng lợi như thế còn rất nhiều giới, nhiều người khác. Một công ty nhập khẩu xe hơi từ một nước châu Âu trong khu vực sử dụng đồng euro, thời điểm này năm ngoái một euro ăn hơn 29.000 đồng nay chỉ còn khoảng 23.300 đồng. Chiếc xe ở bên kia vẫn giữ nguyên giá, chẳng hạn 100.000 euro nhưng tính ra tiền đồng thì đã giảm giá mạnh, khó lòng tưởng tượng nổi. Ai có lợi trong trường hợp này nếu không phải là người nhập xe? Chuyện thanh toán bằng đồng euro hay đô la Mỹ không quan trọng trong trường hợp này vì đó chỉ là đồng tiền thanh toán. Hiện đã có hãng xe quảng cáo “giảm giá đặc biệt nhờ tỷ giá euro thay đổi”!
Hiện đã có hãng xe quảng cáo “giảm giá đặc biệt nhờ tỷ giá euro thay đổi”! Ảnh: Minh Khuê
Trong bối cảnh tiền đồng gắn chặt với đô la Mỹ mà đô la Mỹ lại lên giá với hầu hết các đồng tiền mạnh trên thế giới thì rõ ràng có người hưởng lợi, có người chịu thiệt vì cái tỷ giá cứng nhắc với đô la Mỹ và thả lỏng với đồng tiền khác. Hưởng lợi chủ yếu là những ai có nhu cầu sử dụng các đồng tiền như đô la Úc, Canada, euro, yen Nhật… dù để đi du lịch ở các nước đó hay mua hàng về để xài. Nói chung là người có tiền chứ không phải người nghèo.
Thử nghĩ một cái máy năm ngoái hay năm nay đều bán với giá 10.000 yen Nhật nhưng năm ngoái tính ra tiền đồng lên đến hơn 2 triệu còn năm nay rớt xuống 1,8 triệu thì có phải người ta sẽ ào ào nhập về; một máy tương tự sản xuất trong nước năm ngoái bán với giá 1,9 triệu thì còn cạnh tranh với hàng nhập nay do lạm phát phải bán lên 2 triệu trong khi hàng nhập giảm giá thì trông mong gì cạnh tranh bằng giá nữa?
Ở hướng ngược lại, có những tin tưởng chừng không liên quan gì đến tỷ giá như tin du lịch Việt Nam đang tuột dốc, lượng du khách quốc tế giảm đột ngột. Thử nhìn từ góc độ một người Pháp đang tìm hiểu để đi du lịch Việt Nam hay Thái Lan, cái nào lợi hơn: giá tour bằng tiền đồng năm ngoái, năm nay không đổi, vẫn là 50 triệu đồng. Nhưng tính bằng euro, năm ngoái ông chỉ tốn 1.725 euro còn năm nay phải bỏ ra đến 2.140 euro thì dại gì ông chọn Việt Nam. Đây mới là lý do chính đằng sau sự sụt giảm lượng khách quốc tế những tháng đầu năm chứ các chuyện nới lỏng thị thực, kích cầu chỉ là yếu tố phụ.
Du lịch giảm khách, người bị ảnh hưởng là hàng chục ngàn người có liên quan, từ hướng dẫn viên du lịch đến người bán hàng lưu niệm, từ quản lý khách sạn đến người kinh doanh nhà hàng ăn uống. Cái đó chính là hiệu ứng của tỷ giá lên người dân - ở đây chủ yếu là người ít tiền.
Một loạt tin khác thì nêu đích danh như tin “Xuất khẩu nông sản quí 1 giảm mạnh vì tỷ giá”. Không hiểu sao trước đây rất nhiều người lập luận vì thanh toán bằng đô la Mỹ nên mua bán giữa Việt Nam với các nước ở châu Âu hay Nhật, Úc… không bị ảnh hưởng! Cho dù thanh toán bằng đô la Mỹ nhưng vì bán hàng cho nước có đồng tiền đang giảm giá mạnh so với tiền đồng thì chắc chắn có ảnh hưởng chứ sao lại không? Thực tế kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ba tháng đầu năm giảm 13,2% chủ yếu do tỷ giá bất lợi.
Một ký tôm xuất vào châu Âu hay Nhật, giá tính bằng tiền đồng hay đô la Mỹ có thể không đổi nhưng bán ra trên thị trường tính bằng euro hay yen Nhật sẽ cao hơn trước, chắc chắn người mua sẽ phải cân nhắc, chuyển sang mua loại hàng giá giữ nguyên như tôm xuất từ Thái Lan, chẳng hạn.
Xuất khẩu thủy sản giảm trên 20%, xuất khẩu cà phê giảm gần 40% - tất cả chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lên người dân đang bán mặt cho nước, bán lưng cho trời và đó chính là ảnh hưởng bất lợi của tỷ giá lên người nghèo. Cho nên đừng đặt vấn đề phá giá hay không phá giá tiền đồng, dễ gây tranh cãi. Vấn đề là có cần cố gắng neo giữ tiền đồng với đô la Mỹ hay cứ để thả lỏng nó cho lên xuống bình thường như hầu hết các nước khác. Bằng không, chúng ta rồi sẽ chứng kiến hàng loạt cảnh báo dần dần biến thành sự thật như nhập siêu quay trở lại, sản xuất trong nước đình đốn vì hàng nhập khẩu và quan trọng hơn cả, dường như chúng ta đang trợ cấp cho nhà giàu và ép người nghèo với chính sách tỷ giá hiện nay.
Doanh nghiệp nhập khẩu đang được lợi
Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc được giảm thuế mạnh trong năm 2015 và giá trị đồng tiền của các nước châu Á này cũng giảm mạnh so với đô la Mỹ. Diễn biến này đang đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ hai thị trường này, đặc biệt nguyên liệu, máy móc thiết bị - đầu vào cho sản xuất.
Nếu doanh nghiệp nào có ý định mua máy, thì đây là thời điểm có lợi để họ nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Lê Minh Tiến, Tổng giám đốc công ty Toda Industries (chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp bằng nhựa) nói với TBKTSG qua điện thoại.
Ông Tiến cho biết, lợi ích thứ nhất là về các ưu đãi thuế mà Việt Nam tiếp tục cắt giảm trong năm nay theo như cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Hàn Quốc, cũng như FTA ASEAN-Nhật Bản, và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Chẳng hạn như, với các sản phẩm nhựa nói chung mà công ty nhập khẩu (trong đó bao gồm cả nguyên liệu nhựa), thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam trước đó khoảng 15%, nhưng trong năm nay xuống còn 5%.
Lợi ích thứ hai là tỷ giá - đồng yen Nhật Bản và đồng won Hàn Quốc giảm giá mạnh so với đô la Mỹ trong năm qua. Do đó, giá máy móc, thiết bị nhập khẩu từ hai thị trường này đều rẻ hơn trước đây khi quy ra đô la Mỹ. Theo đó, giả sử giá máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản trước đây khoảng 1 triệu đô la Mỹ, thì hiện chỉ còn 75% mức này.
Ông Tiến cho biết thêm, hiện với sản phẩm vật liệu xây dựng bằng nhựa, công ty chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông. Đối với sản phẩm nhựa công nghiệp, công ty cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp trong nước. Các diễn biến trên sẽ đem lại lợi ích cho công ty khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thanh toán bằng đô la Mỹ. Ngoài ra, theo ông Tiến, nhìn chung với những công ty chuyên cung cấp sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, thì người bán thường sẽ là người quyết định giá bán. Đây cũng được xem là lợi thế cho những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào.
Giám đốc của một công ty sản xuất bao bì, thùng carton tại TPHCM (đề nghị không nêu tên) đang nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, cũng cho biết diễn biến trên đang có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Đối với giá đồng won, yen giảm so với đồng đô la Mỹ, khách hàng đã điều chỉnh giá bán giảm nhẹ so với trước đây. Trong khoảng hơn một năm qua, do giá nguyên liệu có xu hướng giảm, nên công ty chủ yếu ký các hợp đồng ngắn hạn, khoảng 60 ngày. Đối với việc thuế suất giảm, doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn có lợi, nhưng trong ngành giấy, đối tác từ Hàn Quốc thường cũng điều chỉnh giá bán tăng (với lý do giá vật tư tăng) làm mất tác dụng thuế suất giảm.
Thu Nguyệt