Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh từng dí dỏm chia khách vay thành 3 nhóm: Cho vay, cho mượn và cho... không. Ông giải thích nhóm "cho vay" gồm khách hàng có ý thức trả gốc và lãi đàng hoàng, sẵn sàng hợp tác.
Nhóm "cho mượn" là những người đi vay, xác định chỉ mượn gốc chứ nhất quyết không trả lãi. Khó khăn nhất là nhóm khách hàng chỉ muốn cho không. "Họ chủ đích chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, lợi dụng những lỗ hổng của chính sách để chây ì không trả cả gốc lẫn lãi", vị lãnh đạo này giải thích.
Cảnh xử lý nợ tại một doanh nghiệp phía Nam. Ảnh: Nguyệt Triều
Theo bộ phận thu hồi nợ của các ngân hàng, số khách hàng thuộc nhóm "cho mượn" và "cho không" ngày một nhiều. Bộ phận thu hồi nợ của các ngân hàng ở Châu Đốc, An Giang vẫn kể cho nhau nghe về một trường hợp thuộc diện "nợ khó đòi". Công ty còn nợ hàng tỉ đồng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngân hàng khởi kiện, tòa ra bản án nhưng vẫn không đòi được nợ. Ngân hàng phong tỏa tài khoản, nhưng công ty vẫn hoạt động bình thường thông qua các công ty con khác. Người ta vẫn thấy ông chủ ngày ngày đi xe Hummer.
Biết con nợ có nguồn thu, tài sản để trả nhưng nhiều trường hợp ngân hàng vẫn phải bó tay. Theo quy định, sau khi xử lý xong tài sản thế chấp nếu khách hàng chưa trả hết, ngân hàng có thể kê biên các tài sản khác để xử lý. "Tuy nhiên, rất khó để làm việc này bởi khách hàng lẩn như trạch" - ông Bùi Trần Mâng, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh An Giang cho biết.
Một doanh nghiệp thương mại bị ngân hàng khởi kiện ra tòa sau khi không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Theo đánh giá của ngân hàng, chủ công ty này vẫn hoàn toàn có khả năng trả nợ khi hàng ngày sinh sống trong biệt thự, có nhà cho thuê, đi Mercedes, ngày ngày hai bố con vẫn đi đánh golf và hoạt động kinh doanh vẫn bình thường nhưng cố tình không trả lãi ngân hàng.
Trước đây, cán bộ thu hồi nợ của Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng từng khốn khổ mấy tháng trời mới rình bắt được chiếc ôtô là tài sản đảm bảo của khách hàng nợ quá hạn. Theo đại diện ngân hàng, vị khách này hoàn toàn có điều kiện trả nợ nhưng lại cố tình chây ì, đem ôtô trốn khỏi nơi cư trú.
Trong một hội thảo gần đây, ông Cấn Văn Lực - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng kể: "Nhiều trường hợp con nợ nhởn nhơ không trả gây khó khăn cho ngân hàng. Họ vẫn thay đổi xe đều đặn, thường xuyên đi du lịch nhưng cố tình không hợp tác khiến ngân hàng rất khó tìm".
Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng) cho rằng tình trạng chây ì nợ có một lý do liên quan tới lỗ hổng chính sách. Ông cho biết, nhiều trường hợp con nợ càng nhởn nhơ thì càng có lợi.
Ông lấy ví dụ khi vay ngân hàng, lãi suất là 20% nhưng nếu chây ì không trả, ngân hàng buộc phải khoanh nợ, thậm chí miễn giảm lãi. Trong trường hợp bị kiện ra tòa, sau khi có bản án, doanh nghiệp còn có thể chỉ phải chịu lãi suất 9% theo lãi suất cơ bản thay vì vài chục phần trăm.
Bên cạnh đó, theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng, nhiều con nợ dám chống đối không trả vì cậy có "quan hệ". "Nhiều vụ việc dù đã có bản án cho phép ngân hàng tiến hành xử lý tài sản đảm bảo nhưng đến phút 89, doanh nghiệp vẫn có chiêu để 'câu giờ', hoãn thi hành án hoặc thậm chí tuyên bố không trả vì có mối quan hệ nọ kia", ông cho biết.
Theo chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối tháng 9, toàn bộ hệ thống ngân hàng phải đưa nợ xấu về xuống dưới 3%. Trao đổi với PV, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, để đạt mục tiêu này, ông và các cán bộ không quản ngại thức đêm dậy sớm lăn lộn ở nhà xưởng của các doanh nghiệp đang khó khăn để lên phương án, tái cơ cấu nợ cho họ.
"Ngược lại, những trường hợp có tiền mà cố tình không trả như Chí Phèo giữa thời hiện đại thì chúng tôi rất ngán, bởi không có sự hợp tác thì mọi giải pháp đều đi vào ngõ cụt mà thôi" - ông than thở.