Khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cung cấp các chương trình hoán đổi khẩn cấp nhằm bơm tiền vào các ngân hàng trên toàn thế giới. Nếu một cuộc khủng hoảng khác xảy ra, NHTW Trung Quốc có thể làm điều tương tự. Nước này đang xây dựng một mạng lưới hỗ trợ tương tự với các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia, từ Argentina tới Nga.
Những tác động từ sự trỗi dậy của nhân dân tệ sẽ là rất lớn đối với kinh tế thế giới. “Đặc quyền đưa ra mức giá cắt cổ” mà vị trí là nước phát hành đồng tiền thống trị thế giới mang lại cho Mỹ sẽ không còn. Bởi vì có quá nhiều nhu cầu đối với tài sản USD (hơn 60% dự trữ của các NHTW trên toàn cầu là USD), nước Mỹ và các công ty có trụ sở ở Mỹ có thể bán trái phiếu tại mức giá cao hơn. Vì lợi suất trái phiếu tỷ lệ nghịch với giá, điều này có nghĩa là nước Mỹ đi vay với chi phí rẻ hơn, đồng nghĩa với Chính phủ dễ dàng tài trợ các khoản thâm hụt và các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn.
Đặc quyền này có giá trị bao nhiêu? Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với thời kỳ đầu những năm 2000 nhờ vị thế của đồng USD tăng lên.
Mỹ cũng có thể phát hành tất cả các khoản nợ bằng đồng USD. Hiện tượng lệch pha thường khiến khủng hoảng nợ bùng phát ở những nền kinh tế nhỏ hơn được loại trừ. Fed chỉ cần thực hiện một hành động đơn giản là in thêm USD để trả nợ. Theo ước tính của Viện nghiên cứu McKinsey, Mỹ được lợi khoảng 100 tỷ USD mỗi năm từ điều này.
Tuy nhiên vị thế của đồng USD cũng đem lại một số bất lợi cho Mỹ. Nhu cầu lấy USD làm tài sản dự trữ có nghĩa là đồng tiền này sẽ có giá cao hơn so với giá trị thực, làm giảm sức cạnh tranh của các công ty xuất khẩu. Cũng theo McKinsey, điều này có thể khiến GDP giảm 60 tỉ USD. Như vậy tổng cộng Mỹ vẫn được lãi 0,3 đến 0,5% GDP mỗi năm nhờ USD là đồng tiền số 1 thế giới.
Khi nhân dân tệ ngang bằng USD, Trung Quốc sẽ cùng chia “miếng bánh” với Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể bán tài sản USD để thay thế bằng tài sản nhân dân tệ, dẫn đến lãi suất ở Mỹ tăng lên và làm nền kinh tế yếu đi. Các nhà nghiên cứu cho rằng Fed có thể phòng chống bằng cách mua số trái phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Tuy nhiên cách này không có hiệu quả triệt để. Người Mỹ sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu, có lẽ sẽ dẫn đến việc kiểm soát tốt hơn nợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải trả giá đắt hơn. Để giải thích tại sao USD vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới bất chấp Mỹ nằm ở trung tâm của khủng hoảng tài chính toàn cầu, chuyên gia kinh tế Eswar Prasad đến từ ĐH Cornell chỉ vào sức mạnh của thể chế. Thị trường tài chính phát triển sâu rộng, hệ thống luật pháp chặt chẽ và nền chính trị minh bạch củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh. Niềm tin vào những thứ này khiến Mỹ và đồng nội tệ của nó trở thành “thiên đường”.
Do đó Trung Quốc cần phải xây dựng một hệ thống tương tự để thuyết phục nhà đầu tư rằng đồng nhân dân tệ là đáng tin cậy. Nước này phải làm cho nhân dân tệ thực sự có khả năng chuyển đổi, ngừng can thiệp vào tỷ giá và xây dựng một thị trường trái phiếu quy mô, có tính thanh khoản cao và minh bạch. Những động thái can thiệp mạnh vào TTCK trong thời gian vừa qua thể hiện Trung Quốc vẫn chưa đạt được một hệ thống tài chính trưởng thành. Trung Quốc cũng cần một nhà nước pháp quyền. Và, trên hết, Trung Quốc phải giữ cho nền kinh tế hung mạnh. Tình trạng giảm tốc như hiện nay khiến sức hấp dẫn của nhân dân tệ giảm sút.
Nếu Trung Quốc có thể bằng cách nào đó đạt được tất cả những điều kiện trên, về mặt lý thuyết một hệ thống tiền tệ toàn cầu đa cực sẽ giúp kinh tế thế giới ổn định hơn. Mỹ và Trung Quốc có thể cạnh tranh để đồng nội tệ của họ hấp dẫn hơn bằng cách triển khai chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý. Đặc quyền sẽ trở thành trách nhiệm. Tuy nhiên, hệ thống ấy cũng ẩn chứa những rủi ro. Với vị thế của USD bị lung lay, nhà đầu tư toàn cầu không biết đâu là bến đỗ an toàn khi cơn sóng thần khủng hoảng tài chính tiếp theo ập đến.
Có bao nhiêu phần trăm khả năng điều này sẽ xảy ra? USD có lợi thế rất lớn, nhưng bế tắc chính trị ở Washington hay các biện pháp trừng phạt bị lạm dụng khiến lợi thế đó bị xói mòn. Tất cả phụ thuộc vào chính sách của Trung Quốc. Chìa khóa là cải cách để hệ thống tài chính sâu, cởi mở và đáng tin cậy như của người Mỹ. Đó là một dự án dài hơi, nhưng Trung Quốc vẫn có thể đẩy nhanh quá trình bằng những thay đổi trong chính sách, mà ví dụ đầu tiên là hạ thấp rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu.
Những gì Trung Quốc đã làm được trong 5 năm gần đây, kể từ khi nước này bắt đầu thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, là rất ấn tượng. Tỷ trọng các giao dịch qua biên giới Trung Quốc lấy nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán đã tăng từ mức gần 0 trong năm 2009 lên 22% trong năm ngoái. Hiện đây là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong thanh toán quốc tế. IMF đang xem xét khả năng bổ sung nhân dân tệ vào rổ tiền dự trữ.
Tuy nhiên, vẫn còn một quãng đường rất xa để nhân dân tệ có thể sánh ngang USD. 50 NHTW trên thế giới đã bổ sung nhân dân tệ vào dự trữ quốc gia, nhưng chỉ với lượng rất nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 200 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc, thấp hơn 80 lần so với mức 16.000 tỉ USD của Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, tức đầu thế kỷ 21, nhân dân tệ đang nổi lên trên sân chơi quốc tế. Nhưng USD đã có vị thế như vậy từ đầu thế kỷ 20.