Khi nào nhân dân tệ sẽ ngang tầm với USD? Rất nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia kinh tế Chen Yulu cho rằng sẽ chỉ mất 15 năm. Wei Jianguo, phó giám đốc của một nhóm nghiên cứu, cho rằng sẽ mất 20 năm.
Các quan chức Trung Quốc thì thận trọng hơn: quốc tế hóa nhân dân tệ là một quá trình dài với tốc độ được quyết định bởi thị trường, Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên nhận định. Còn ở bên ngoài Trung Quốc, các luồng ý kiến mang nhiều sắc thái hơn. Một số người cho rằng nhân dân tệ sẽ sớm thay thế đồng USD ở châu Á, trong khi một số người khẳng định điều này sẽ không bao giờ xảy ra.
Thế giới sẽ có gì khác nếu đồng nội tệ của Trung Quốc cạnh tranh với đồng bạc xanh cho vị trí dẫn đầu? Các học giả cũng đã từng đồn đoán về việc đồng bảng Anh thay thế USD trở thành đồng tiền mạnh nhất thế giới nhưng đó là câu chuyện của nửa thế kỷ trước và trong một bối cảnh hoàn toàn khác.
Có thể dễ dàng chuyển đổi cả USD và bảng Anh thành vàng với tỉ giá cố định, do đó chuyển đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền khác không có quá nhiều rủi ro. Ngày nay, các đồng tiền dự trữ không được đảm bảo bằng càng mà giá trị của chúng dễ biến động hơn khi được quyết định bởi cung và cầu.
Hơn nữa, sự chuyển đổi từ bảng Anh sang USD phản ánh một sự thay đổi về quyền lực kinh tế, điều đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, giữa hai đồng minh có cùng quan điểm về giá trị của dân chủ và cùng ý tưởng về quản lý kinh tế.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ một cách hòa bình. Một hệ thống tiền tệ đa dạng hơn sẽ nuôi dưỡng ổn định tài chính cho thế giới, Trung Quốc đã nói như vậy. Tuy nhiên, không giống như trường hợp nước Anh, sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn được coi là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ. Đối với tất cả những người ủng hộ sự phát triển vì lợi ích chung, Trung Quốc có thể là một yếu tố bất lợi với một chế độ chính trị và cách thức tiếp cận nền kinh tế hoàn toàn khác.
Một số người ở Trung Quốc lại có góc nhìn u ám hơn về cuộc chạy đua giữa nhân dân tệ và USD. Song Hongbing, tác giả của cuốn “Currency Wars” (tạm dịch: Chiến tranh tiền tệ), cho rằng Mỹ đang chiến đấu chống lại đồng nhân dân tệ bằng mọi cách. Dĩ nhiên, thực tế đã chứng minh rằng quan điểm này là sai.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao dịch nhân dân tệ trên toàn thế giới và nước Mỹ chưa từng cố gắng để chống lại mạng lưới ấy. Dẫu vậy một dấu hiệu nhỏ của xung đột đã xảy ra vào năm ngoái, khi Mỹ cố gắng (nhưng không thành công) thuyết phục các đồng minh từ chối tham gia vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.
Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy một Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có trung Quốc. Và, đáng chú ý là trong số rất nhiều trung tâm giao dịch nhân dân tệ được Trung Quốc thành lập ở mọi nơi từ London cho tới Singapore, có một khoảng trống rất lớn trong mạng lưới toàn cầu: New York.
Mỹ có lý do chính đáng để lo lắng về đồng nhân dân tệ. Sự nổi lên của nhân dân tệ với vai trò là một lựa chọn đáng tin cậy thay thế cho đồng USD sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của nước Mỹ. Lệnh cấm vận đối với Iran và Triều Tiên đã có hiệu lực vì USD quá quan trọng đối với hệ thống thanh toán toàn cầu. 45% các giao dịch xuyên biên giới trên thế giới hiện nay sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán. Bởi vậy bất cứ ngân hàng nào có hoạt động kinh doanh quốc tế đều phải tham gia vào hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Lợi thế chính trị của Mỹ sẽ suy yếu nếu đồng nhân dân tệ vươn ra toàn cầu. Trung Quốc hiện đang tiến gần đến việc hoàn tất một hệ thống thanh toán bằng nhân dân tệ xuyên biên giới. Mặc dù được mô tả đơn giản là một nền tảng thúc đẩy giao dịch, hệ thống này rất lợi hại vì trong tương lai sẽ cho phép các ngân hàng và công ty chuyển tiền đi khắp thế giới qua một hệ thống hoàn toàn không phụ thuộc vào USD.
Mỹ sẽ nhận thấy rất khó để theo dõi ai đang sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc. Mối đe dọa bị loại khỏi hệ thống thanh toán Mỹ theo đó cũng không còn đáng sợ.
Một đồng nhân dân tệ mang tầm cỡ toàn cầu cũng khiến Trung Quốc được coi trọng hơn trên trường quốc tế. Trung Quốc vẫn luôn thể hiện rằng nó muốn được nhìn nhận là một "công dân tốt" của thế giới trong những thời điểm khó khăn.
Năm 1997-1998, khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, và năm 2008-2009, trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đều khóa chặt tỷ giá nhân dân tệ so với USD. Trung Quốc muốn cam đoan với các nước khác rằng họ sẽ không sử dụng chính sách phá giá để làm lợi cho kinh tế nước mình nhưng làm tổn hại nước khác. Khi nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi hơn, Trung Quốc sẽ tăng cường điều này bằng cách đóng vai trò là một "chốt chặn" cho hệ thống tài chính toàn cầu.