Trên thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp nhà tan cửa nát, các vụ giựt hụi, bể hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ hay thậm chí hàng chục tỉ đồng. Đó là những bài học kinh nghiệm mà mọi người cần lưu ý, trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không.
Mới đây, vụ vỡ hụi hàng trăm tỉ đồng rúng động cả một vùng quê nghèo ở tỉnh Thanh Hóa khiến hàng trăm hộ dân đứng trước nguy cơ mất hết tiền.
Theo đó, một số người trong xã đã tự đứng ra làm chủ hụi và đi thu tiền của các “con hụi”. Những người đóng hụi sau khi nộp tiền được hứa sẽ nhận lãi suất từ 1,5 – 2%/tháng. Đánh đúng vào tâm lý ham lời, nên nhiều người đã đem toàn bộ tài sản tích góp để chơi hụi. Thế nhưng, khi không còn khả năng thanh toán, những chủ hụi này đã bỏ trốn biệt tăm.
Định nghĩa về chơi hụi
Luật sư (LS) Cao Thế Luận (Công ty Luật TNHH Kao Kiến, Đoàn LS tỉnh Bạc Liêu) cho biết Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 đã quy định về vấn đề chơi hụi. Bên cạnh đó, để quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ - CP ngày 27-11-2006 về hụi. Nghị định này đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi.
Người chơi hụi cần nắm được thu nhập của những người cùng chơi và chủ hụi. Ảnh: Vũ Phượng
Theo đó, hụi (hay còn gọi là họ, biêu, huê, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Hình thức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Các quy định liên quan đến chơi hụi
Theo Nghị định 144/2006/NĐ – CP thì các thành viên có nghĩa vụ góp phần hụi theo thỏa thuận cho chủ hụi trong trường hợp có chủ hụi hoặc cho thành viên được lĩnh hụi. Nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi.
Nghị định này cũng quy định quyền những người tham gia chơi hụi: “Khi đến kỳ mở hụi, thành viên được lĩnh hụi có quyền nhận các phần hụi từ chủ hụi hoặc các thành viên khác trong hụi”.
Người chơi hụi có quyền yêu cầu chủ hụi cho xem sổ hụi để đảm bảo quyền lợi. Ảnh: Vũ Phượng
Bên cạnh đó, Điều 20 và Điều 25 của Nghị định này cũng quy định đối với hoạt động hụi có lãi, những người tham gia chơi hụi có nghĩa vụ góp phần hụi; trả lãi cho các thành viên khác khi được lĩnh hụi.
Đồng thời, cũng phải bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại và các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận.
Cùng với việc bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ, những người tham gia hụi có lãi có các quyền đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở hụi, trừ trường hợp đã lĩnh hụi thì sẽ không được nhận lãi trong các kỳ tiếp theo.
Như vậy, khi người tham gia chơi hụi dù ở hình thức nào nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được Nhà nước bảo hộ những quyền và lợi ích hợp pháp.
Nghĩa vụ của chủ hụi
Theo LS Luận, một trong những nghĩa vụ của chủ hụi hay người được ủy quyền cầm giữ tiền hụi là “giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi” quy định tại khoản 3 điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP.
Do vậy, nếu những người này vi phạm nghĩa vụ thì phải có trách nhiệm “giao các phần hụi đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có. Ngoài ra, chủ hụi cũng phải trả lãi nếu giao chậm (mức lãi này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản của ngân hàng).
Chủ hụi bỏ trốn giải quyết như thế nào?
LS Luận nhận định: “Trong trường hợp, người cầm tiền đã cầm toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn, ngoài trách nhiệm pháp lý mà người đó phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, đối với những thành viên tham gia hụi, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh hụi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh hụi theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở hụi; phần không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.
Chơi hụi có tính rủi ro cao
Trước hết, có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm.
Dây hụi thực chất là một vòng tròn mắc xích, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích bị đứt (không đóng tiền hụi) thì sợi dây xích sẽ bị đứt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người chưa hốt hụi. Ràng buộc đến trách nhiệm của người chủ hụi (hay còn gọi là bể hụi)
Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức mà những người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi, thật giả lẫn lộn.
Không loại trừ khả năng người chủ hụi, vì mục đích xấu, đã làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi. Chẳng hạn có 10 người chơi thì nói là 20 người, số tiền đóng là 10 triệu/tháng thì nói là 20 triệu/tháng, giấy tờ sổ sách không rõ ràng, sau khi thu tiền, thay vì giao cho người hốt hụi trong tháng thì thực sự… không có ai cả. Sau khi gom tiền được vài tháng, chủ hụi sẽ biến mất.
Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo hoặc nhẹ dạ, chủ quan của chính mình. Mà việc giải quyết tranh chấp thì không hề đơn giản, giấy tờ chứng cứ mơ hồ do không có giấy tờ chứng minh việc giao nhận tiền hụi.
Vì vậy, chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn
Hụi an toàn, nói một cách đơn giản, là không tiềm ẩn hay có các yếu tố rủi ro, mờ ám như đã nói ở trên. Hoặc là phải có cách làm rõ, khắc phục và hạn chế những yếu tố rủi ro đó.
Trước hết, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ qui định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi. Và cần lưu ý những điểm sau:
- Chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà to cửa rộng, vàng vòng phô trương, quan hệ rộng… Mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ hụi.
- Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu? Nguồn thu nhập như thế nào? Phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Có không ít trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng hụi nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi hụi khác.
- Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp. Tóm lại, là như một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi.
- Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.