TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng (NH), cho rằng nền kinh tế Việt Nam mới nổi và còn non trẻ nên cần lượng NH thương mại đủ đáp ứng nhu cầu người dân, nhưng với hơn 30 NH cổ phần vẫn là quá nhiều đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Dồn dập sáp nhập
Nếu năm 2014, ngành NH khá trầm lắng với những thương vụ sáp nhập thì tiến độ đã dồn dập hơn trong nửa đầu năm nay. Hàng loạt các thương vụ được công bố như NH TMCP Phương Nam sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH TMCP Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), NH TMCP Xăng dầu Petrolimex về một nhà với NH TMCP Công thương (Vietinbank), NH TMCP Mê Kông (MDB) sáp nhập vào NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank)…
Trong báo cáo cập Điểm lại nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2015, NH Thế giới (World Bank) cho rằng khác với những năm trước quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các NH nhỏ hơn, hoạt động yếu kém hơn năm nay, chứng kiến nhiều thương vụ mua lại của các NH quốc doanh lớn như BIDV, Vietinbank và sắp tới có thể là Vietcombank và SaigonBank. Nhiều thương vụ được cơ quan điều tiết hỗ trợ nhằm mục tiêu hợp nhất hệ thống NH và giải quyết tình trạng sở hữu chéo giữa các NH theo đó giảm một số rủi ro mang tính hệ thống.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các NH ngày càng gay gắt và việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thành lập vào cuối năm nay, với việc luân chuyển dòng vốn tự do hơn sẽ là cơ hội cũng như thách thức cho các NH Việt Nam. Bản thân các NH cũng có nhu cầu tìm kiếm đối tác sáp nhập để nâng cao tiềm lực tài chính, quy mô vốn và mạng lưới hoạt động.
Trong thương vụ sáp nhập giữa Phương Nam và Sacombank, ông Lê Hùng Dũng (người đại diện phần vốn của NH TMCP Xuất nhập khẩu - Eximbank tại Sacombank), cho rằng cái lợi của thương vụ này sẽ lớn hơn. Bởi hiện thị trường có 4 NH cổ phần quy mô lớn, sau sáp nhập Sacombank sẽ có vốn điều lệ hơn 18.000 tỉ đồng, tăng quy mô và năng lực tài chính rất lớn. “Tôi tin rằng, trong 3-5 năm tới, không có NH cổ phần nào có thể bắt kịp quy mô này” - ông Dũng nói.
Với thương vụ MHB sáp nhập của BIDV, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho rằng NH sau sáp nhập sẽ tận dụng quy mô về lợi thế khách hàng, mạng lưới khu vực ĐBSCL mà MHB đã xây dựng trong nhiều năm qua. Điều này cũng phù hợp với định hướng của BIDV là đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp thời gian tới.
Không khó để thấy những lợi ích mà Maritime Bank sẽ có được sau sáp nhập MDB vào khi vốn điều lệ tăng lên 11.750 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động lên 270 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và vươn lên vị trí thứ 4 về vốn điều lệ và mạng lưới đứng thứ 7 trong khối các NH thương mại cổ phần…
Vừa thừa lại vừa thiếu
Dù số lượng thương vụ sáp nhập, hợp nhất NH gia tăng nhưng World Bank cho rằng mục tiêu giảm tổng số lượng NH thương mại xuống còn 15 -17 đơn vị vào năm 2017 vẫn là một thách thức. Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cả nước chỉ cần 15 NH với lập luận, với dân số 93 triệu người, số lượng người tiếp cận hệ thống NH khoảng 20-30% dân số. Trong tương lai khoảng 5 năm nữa, số lượng người tiếp cận NH sẽ tăng lên khoảng 50% dân số và có thể đạt 45-50 triệu người. Đây không phải số lượng nhỏ và để phục vụ một số lượng như thế, ở những nước tiên tiến chỉ cần vài NH với quy mô hoạt động rất lớn.
Với Việt Nam, trong số lượng vài chục triệu người có tiếp cận dịch vụ NH, số người sử dụng các tiện ích NH điện tử hoặc các phương tiện thanh toán điện tử rất ít, thẻ ATM chỉ dừng lại ở rút tiền mặt… Nên khoảng 30 NH thương mại là quá nhiều, giống như trong một cái bếp có quá nhiều đầu bếp sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. “Chỉ cần khoảng 15 NH là đủ phục vụ khách hàng, trong đó 4-5 NH hoạt động trên quy mô quốc gia, có mạng lưới trên toàn lãnh thổ. Khoản g 10 NH mang tính chất khu vực” - ông Hiếu nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, ví von chuyện giảm bớt số lượng NH giống như “một đội biệt động toàn lính tinh nhuệ còn hơn cả đội mà không biết dùng súng”. Sáp nhập bước đầu sẽ là những phép cộng đơn thuần, sau đó vai trò điều tiết của NH Nhà nước sẽ phân loại ra NH mạnh hoặc yếu kém. Mạnh vốn hoặc ông chủ giàu chưa chắc đã mạnh thật sự nếu quản lý yếu kém. Từ các nước trong khu vực như Singapore hay Mỹ có nền tài chính phát triển cũng rất ít NH thương mại cổ phần, trong khi Việt Nam chỉ cần doanh nhân, đại gia nào có vài ngàn tỉ đồng là đứng ra lập NH từ kinh doanh ô tô, bất động sản… “Người ta có thể mạnh ở lĩnh vực khác, nhưng nếu muốn vào lĩnh vực NH thì chỉ nên làm cổ đông nhỏ của NH lớn, thay vì là cổ đông lớn của NH nhỏ - 2 ý tưởng sẽ rất khác nhau” - ông Minh phân tích.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia kinh tế, quá trình “làm sạch”, lành mạnh hệ thống NH mới thật sự quan trọng, nhất là tư duy của các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi. Thực tế, một số ông chủ NH cổ phần quan niệm “họ đẻ ra NH, đứa con tinh thần và phục vụ riêng cho quyền lợi của họ”. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một quan điểm rất sai lầm, bởi trên thế giới, hệ thống tiền tệ và quốc phòng như một xương sống của cả nền kinh tế và các NH thương mại phải phục vụ cho người dân.
Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu còn phải thay đổi quản trị rủi ro về tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động, tái cơ cấu nội bộ NH của mình. “Nếu chỉ nói tái cơ cấu, sáp nhập để làm gọn thì chưa đủ vì phải làm sạch thực chất các NH” - ông Hiếu nói.
Nên để thị trường quyết định
Một góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia tài chính NH, cho rằng không có bất cứ một tiêu chỉ khoa học, hợp lý nào cho sự thiếu, thừa hay đủ số lượng NH mà phải là do thị trường sàng lọc và quyết định.
Nhà nước chỉ nên làm những gì phù hợp và thúc đẩy thị trường theo hướng có lợi nhất. Cần phải thúc đấy tạo ra một số NH lớn, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới nhưng cũng cần nhiều NH nhỏ để làm cái việc “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Vấn đề cốt lõi là phải luôn bảo đảm được tính an toàn, lành mạnh, hiệu quả của các ngân hàng.