Hằng năm, cứ mỗi độ năm hết Tết đến, chẳng ai bảo ai, người ta lại hóng lên hóng xuống tình hình thưởng Tết năm nay. Những tin đồn chẳng biết bắt đầu từ đâu cứ len lỏi, tai nọ truyền tai kia đến mọi ngóc ngách, xen cả vào mấy câu chuyện buôn dở lúc giữa giờ của các chị em rồi tràn qua vại bia khi tan tầm của các anh la cà ngoài phố.
Cũng chẳng phải chỉ mỗi người làm công ăn lương mong ngóng tin thưởng chính thức, hàng xóm bạn bè họ hàng gia đình cũng rục rịch chờ đợi những tin bên lề, những dòng tít trên báo để thăm dò. Và câu chuyện của bà bán trà đá đầu ngõ với ông xe ôm rảnh rỗi thời Grab, Uber cũng đá dọc đá ngang vài câu sang vấn đề nóng bỏng này. Bà bán rau chợ sáng thấy chị khách quen tất tả chạy cho kịp giờ con học vẫn cố níu lại bằng câu nói "Ấy nghe nói năm nay thưởng Tết đậm lắm hả em ơi?".
Techcombank là ngân hàng đầu tiên công bố thưởng Tết đậm trong năm nay
Giữa thiên la địa võng những tin ngoài lề và tin chính thống, có một điều rằng thưởng Tết ngành ngân hàng năm nào cũng được quan tâm nhất. Kể cả giữa lúc kinh tế lên đỉnh, nhân viên ngân hàng hỉ hả với con số vừa được cộng thêm vào tài khoản, hay lúc mỗi người bần thần xách quyển lịch và cọc tiền lẻ nguyên seri được phát theo định mức về ăn Tết, bọc cả hy vọng có một khoản thưởng Tết như ý vào trong nỗi buồn năm cũ, dù ít dù nhiều, thưởng Tết của dân ngân hàng vẫn cứ khiến báo chí tốn không biết bao nhiêu là giấy mực.
Thế nên, cứ tầm tháng 11 hằng năm, chuyện thưởng Tết ngân hàng lại được hâm nóng, bình mới rượu cũ nhưng chẳng bao giờ thấy chán. Chỉ một tin ngân hàng cổ phần nọ thưởng Tết tới 7 tháng lương đã nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ từ các độc giả khắp đất nước, từ Nam chí Bắc.
Cả cơ quan đang hì hụi tổng kết báo cáo, đột nhiên góc phòng có tiếng ré lên, thế là già trẻ gái trai cả cơ quan rục rịch gạt việc qua một bên, mở web đọc cho kỳ hết. Đọc xong thì hết chị kế toán lẩm bẩm mở Excel tính "sơ bộ" số tiền một nhân viên mức trung bình nhận được lại đến cậu nhân viên hí húi bấm tin nhắn hỏi bạn đang làm tại ngân hàng X. xác thực thông tin. Chị trưởng phòng thì phán câu xanh rờn: "Ôi dào ơi có phải ai cũng được ngần đấy tiền đâu mà xoắn".
Xoay hết chuyện nhà hàng xóm, cả cơ quan lại rì rầm chuyện thưởng Tết nhà mình, nỗi băn khoăn cứ lớn dần lên đến độ chỉ cần một tin vỉa hè rò rỉ là nổ tung luôn. Nhưng quả bóng đầy nỗi trăn trở, nghi ngờ, hy vọng và thấp thỏm ấy cứ phồng lên xẹp xuống, khiến cả người trong cuộc và người ngoài cuộc nhấp nhổm không yên.
Tiền thì chưa thấy trong tài khoản mà thiên hạ cứ bàn ra tán vào, khiến cho không ít anh em ngân hàng đau đầu. Ví dụ như một “biên chế” của ngân hàng X. nọ, một người quen share link vào tường Facebook, thế là một hội chị em bạn bè vào "yêu thương", "phẫn nộ" rồi "like" cho nổi lên đầu newfeeds, bàn luận sôi nổi cứ như thể anh chàng chính chủ kia đã ôm chắc hơn 150 triệu trong tay, và câu chuyện trở thành chủ đề bàn tán không chỉ gói gọn trong phạm vi công sở. Sáng hôm sau ra đến đầu ngõ đã thấy bà trà đá đon đả phe phẩy tờ báo ngày hôm trước, cười cười dặn với theo "đi làm cẩn thận".
Anh vừa đi khỏi là bà chìa ngay tờ báo cho ông xe ôm, tấm tắc bảo thằng bé thế mà giỏi, năm nay thưởng Tết "đậm" thế này, chắc là năm sau mua ô tô đi làm đấy, chứ dạo này khói bụi lắm, hôm nào nó cũng về muộn. À mà chắc là về muộn mới thưởng to đấy, chứ mấy con bé làm công ty nọ công ty kia, năm rưỡi đã cắp cặp đi về thì làm gì mà đòi tiền thưởng Tết.
Ấy là thưởng nhiều, còn hễ cứ năm nào ngân hàng thưởng Tết ít, hoặc không có thưởng, là y như rằng dân tình vẫn moi được chuyện để bàn. Người trong cuộc thì ngao ngán là đương nhiên, người ngoài cuộc thì đoán già đoán non, chắc là làm ăn thua lỗ mới không có nổi thưởng Tết cho anh em, chắc là giữ lợi nhuận để năm sau đầu tư tiếp, chắc là công bố vậy thôi chứ làm gì có chuyện cắt thưởng,… Hàng trăm cái "chắc là" của thiên hạ vẫn cứ mãi "chắc là", bởi sự tình bên trong, hiểu rõ nhất phải là người trong cuộc.
Lại nói chuyện một chị chuyên viên mới đi làm được hai năm, cuối năm thứ hai ngân hàng chị lên báo hồ hởi vỗ ngực tuyên bố vượt kế hoạch lợi nhuận những một trăm hai mươi phần trăm, rồi hứa hẹn thưởng Tết thật đậm.
Chị cũng hí hửng chờ tới cuối năm. Nào ngờ, chi nhánh chị đang làm việc năm đó không đạt kế hoạch được giao, cộng thêm việc không hoàn thành bộ chỉ tiêu chất lượng dịch vụ mới thay đổi cho đúng chuẩn quốc tế, nên chỉ được xếp loại trung bình. Cả chi nhánh buồn thiu, cuối năm mỗi người được đúng một tháng lương gọi là an ủi.
Về quê ăn Tết, họ hàng làng xóm biết được, hễ cứ gặp chị là lại thêm thắt vài câu, hết bóng gió gần xa chuyện thưởng nọ thưởng kia rồi hỏi han "tình hình làm ăn của cháu", có người còn tiện mồm "nhờ xin hộ con trai cô vào làm với". Tiền thưởng Tết sau khi trừ đi mấy khoản mua sắm lặt vặt cho gia đình và tiền mừng tuổi họ hàng với quà biếu sếp, chẳng còn lại là bao.
Mà lạ một điều, ít ngành nào nhận được sự quan tâm của dư luận như ngân hàng. Mặc dù những năm gần đây đã mất đi ngôi vương về lương thưởng, lại thêm người trong ngành than thở về áp lực công việc, ngành ngân hàng đã bớt đi phần nào sức hấp dẫn và ánh hào quang, nhưng mỗi khi nhắc đến thưởng, người ta vẫn luôn lôi thưởng ngành ngân hàng ra so sánh.
Có lẽ bởi vì, làm ở ngành khác, ví dụ như ngành sản xuất, xuất khẩu, có khi còn phải nhận thưởng Tết bằng hiện vật. Còn như ngân hàng vốn là nơi "buôn tiền bán bạc", thì chẳng có gì ngoài tiền để mà thưởng. Hơn nữa, ngân hàng cũng thường tận dụng truyền thông để đánh bóng tên tuổi, thu hút nhân tài bằng cách tuyên bố mức lương thưởng ngoài sức tưởng tượng. Một công đôi việc, lại vô cùng hiệu quả.
Thời điểm này, các ngân hàng đã gần như có được kết quả kinh doanh sơ bộ của cả năm qua, và có lẽ cũng đã có dự trù mức thưởng Tết. Sốt ruột hơn ai hết vẫn là nhân viên, bởi thưởng Tết là điều ai cũng ngóng chờ, là phần thưởng dành cho cả một năm miệt mài lao động vất vả. Năm vừa qua, tình hình kinh tế cũng ít nhiều khởi sắc, mặc dù ngành ngân hàng gặp phải rất nhiều biến cố nhưng không thể phủ nhận rằng tình hình kinh doanh có chiều hướng tốt lên.
Vì thế, việc hy vọng có một khoản tiền thưởng là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, thưởng bao nhiêu và thưởng như thế nào, có lẽ vẫn sẽ là chủ đề nóng cho tới khi chính thức ngã ngũ. Và những mùa Xuân sau, câu chuyện thưởng Tết ngành ngân hàng có lẽ sẽ vẫn tiếp diễn, như bao năm đã thế.