Thế nào là "thiên đường thuế"?
Năm 2013, 85 người giàu nhất thế giới bằng tổng số tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới, đến năm 2016, con số này là 62 người giàu nhất tương đương 3,6 tỷ người nghèo nhất và 1% người giàu nhất thế giới chiếm số tài sản bằng 99% những người còn lại. Sự phân biệt giàu nghèo đang ngày càng nới rộng khoảng cách.
Nghiên cứu của Oxfam chỉ ra, khủng hoảng bất bình đẳng diễn ra nghiêm trọng đe dọa tiến trình xóa nghèo đói trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân của sự bất bình đẳng về kinh tế trên thế giới là việc tồn tại của những thiên đường thuế.
Lấy ví dụ đơn giản, tổ chức này đặt vấn đề “bạn nghĩ sao nếu mình phải trả tiền cho một món đồ mà bạn không mua, không sử dụng?”, bất bình đẳng về thuế tại các thiên đường thuế hiện nay cũng như vậy. Nó giống như việc những người nghèo khổ, 99% của thế giới đang phải gánh trên vai số tiền thuế mà đáng ra 1% người giàu nhất thế giới phải đóng.
Trả lời cho câu hỏi này, đại diện Oxfam bà Susana Ruiz Rodríguez cho biết: Thiên đường thuế có xu hướng chuyên môn hóa và đáp ứng nhu cầu của một vài cá nhân tổ chức như sau: Họ cung cấp mức thuế suất thực tế rất thấp, bao giồm cả mức thuế 0% cho cá nhân hoặc pháp nhân; Họ sử dụng pháp luật và phương thức hoạt động hành chính nhằm ngăn chặn trao đổi thông tin tự động cho mục đích thuế với các quốc gia khác; Họ sử dụng các điều khoản pháp luật hoặc hành chính nhằm cho phép các pháp nhân không cần công bố cấu trúc của doanh nghiệp (Bao gồm quỹ đầu tư, quỹ từ thiện, quỹ tài trợ…) hoặc chủ sở hữu tài sản hoặc quyền lợi.
“Và mỗi quốc gia đều có quyền quyết định khi muốn thành lập ra thiên đường thuế, quan trọng là tính bảo mật”, bà Susana nhấn mạnh. Bởi vậy, nếu Việt Nam muốn trở thành một thiên đường thuế cũng hoàn toàn có thể.
“Thiên đường thuế” hoạt động như thế nào?
Chia sẻ cụ thể hơn về hình thức hoạt động của các thiên đường thuế và cách thức “ trốn thuế ” của các doanh nghiệp qua các thiên đường này, bà Susana nói: Vụ hồ sơ Panama đã tiết lộ nhiều thông tin quan trọng. Ví dụ như một công ty ở Panama, cứ 10 phút lại thành lập một công ty ở nước ngoài. Hay quần đảo Cayman, có chưa tới 7.000 người dân vậy mà thu hút FDI lớn gấp 3 lần Trung Quốc có số dân là 2 tỷ người.
Thực tế những công ty “ảo” (offshone) được thành lập tại Panama chỉ là những hòm thư rất nhỏ, và chỉ tốn khoảng 79 USD để thành lập một công ty kiểu này.
Trên thế giới rất nhiều các thiên đường thuế, phân bổ ở khắp các nơi, tuy nhiên châu Á được đánh giá là nơi có dòng chảy tài chính phi pháp cao nhất thế giới. Dòng tiền này thì châu Á chảy tới các thiên đường thuế trên khắp thế giới. Trong số dòng tài chính phi pháp này 65% là đến từ doanh nghiệp, 30% là phạm tội và 5% là tham nhũng.
Các doanh nghiệp nước ngoài có đủ các chiêu trò để trốn thuế qua các thiên đường thuế và chúng ngày càng tinh vi hơn. Vụ việc được khui ra mới đây năm 2014 về thiên đường thuế luxemburg, Thụy Sỹ cũng từng gây chấn động thế giới. Nó được phát hiện khi người ta lần theo đường đi của một quả chuối từ Ecuador sang Anh, người ta đặt câu hỏi tại sao một quá chuổi ở Ecuador giá rẻ mạt mà sang Anh giá của nó lại đắt đỏ như vậy? Cuối cùng phát hiện ra rằng những quả chuối này đã phải đi qua rất nhiều thiên đường thuế, đội giá lên rất lớn, ví như quả chuối được mua ở Ecuador chỉ một đồng, khi qua các thiên đường thuế nó thành 100 đồng và tới Anh thì giá của nó là 101 đồng.
Theo bà Susana phân tích, việc chuyển giá này gây bất lợi cả cho người sản xuất ở Ecuador và người tiêu dùng ở Anh, chỉ có doanh nghiệp ở giữa là hưởng lợi. Họ thu lợi 99 đồng khi thực hiện các thao tác “ảo” ở các thiên đường thuế mà không phải mất một xu tiền thuế nào.
50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là qua những “thiên đường thuế”
Việt Nam luôn nỗ lực thu hút FDI, trải thảm đỏ để mời các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, chúng ta có thực sự được hưởng lợi tiền thuế đúng với lợi nhuận mà các doanh nghiệp FDI này tạo ra?
Theo nghiên cứu của Oxfam thì hiện nay 50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là qua những thiên đường thuế, trong đó có một số địa danh đầu tư lớn nhất vào Việt Nam như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, quần đảo British Virgin... đều có những thiên đường thuế. Theo phân tích của bà Susana thì điều đó có nghĩa là chúng ta gần như “chẳng được gì” trong số lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI.
Phân tích giải pháp cho tình trạng này, bà Susana cho biết: Các nước hoàn toàn có thể đưa ra những rào cản cần thiết với những địa danh đã có “tiếng xấu” là thiên đường thuế. Cụ thể, chúng ta cần đưa vào luật của quốc gia, yêu cầu các doanh nghiệp FDI khai báo cụ thể về các công ty con, hoạt động cụ thể để kiểm soát trước khi cho họ vào đầu tư.
“Panama sau khi bị lộ hồ sơ mật đã là có một cái danh rất xấu, nên các quốc gia hoàn toàn có thể dùng lệnh cấm vận với những khoản tiền đi qua quốc gia này”, bà Susana lưu ý.