Động thái này ngay lập tức tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính cũng như hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn cầu, bởi Trung Quốc có quan hệ thương mại với rất nhiều nước và đồng Nhân dân tệ ngày một trở nên phổ biến hơn.
Dưới đây là 6 câu hỏi và trả lời được đặt ra sau động thái đột ngột hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, từ góc nhìn của Wall Street Journal và USA Today.
1. Trung Quốc đã làm gì?
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá trị đồng Nhân dân tệ bằng cách đặt ra tỉ giá giao dịch hàng ngày của đồng Nhân dân tệ với đồng USD. Tại thị trường Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ được phép giao dịch trong biên độ +/- 2%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thường ấn định tỷ giá giao dịch của đồng tiền này cho ngày giao dịch kế tiếp mà không cần quan tâm đến biến động trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, đồng Nhân dân tệ bị điều chỉnh tỉ giá trái ngược hẳn với những tín hiệu thị trường.
Nhưng nay, PBoC tuyên bố họ sẽ xem xét đến tỉ giá của ngày giao dịch hôm trước cũng như biến động trên thị trường, kết quả là việc hạ giá sâu đồng Nhân dân tệ từ hôm 11-8.
2. Tại sao Trung Quốc làm vậy?
Trong tuyên bố của mình, PBoC khẳng định họ muốn đưa tỉ giá đồng Nhân dân tệ gần hơn với thị trường. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quyết định điều chỉnh tỉ giá trên được đưa ra ở thời điểm xuất khẩu của Trung Quốc đang đi xuống và tình hình kinh tế vĩ mô nước này khá bi quan.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ khoảng 7%, mức thấp nhất trong hai thập kỷ và dự kiến còn tiếp tục suy yếu trong năm tới. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc liên tục suốt từ đầu tháng 6 năm nay.
Cuối tuần qua, Trung Quốc công bố xuất khẩu tháng 7 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm. Đồng Nhân dân tệ yếu được cho là sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn.
3. Động thái này ý nghĩa thế nào với thế giới?
Chắc chắn thế giới sẽ suy luận Chính phủ Trung Quốc tin rằng kinh tế nước này đang rất khó khăn và đang tìm cách cứu kinh tế.
Nhưng đối với các nước hiện đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc đồng Nhân dân tệ yếu đi sẽ “làm khó” họ.
Tại Mỹ, vấn đề đồng Nhân dân tệ bị giữ ở mức thấp một cách giả tạo sẽ trở lại trong các cuộc tranh luận trên chính trường, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử Tổng thống.
4. Động thái ý nghĩa thế nào với thị trường tài chính?
Động thái sẽ gây áp lực buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hạ giá đồng nội tệ để giúp các công ty xuất khẩu của nước họ, đồng thời giúp ổn định dòng chảy vốn.
Việc đồng Nhân dân tệ bị hạ giá mạnh cũng sẽ tác động xấu đến thị trường hàng hóa, bởi nhà đầu tư sẽ hiểu rằng nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đang yếu đi.
Ngoài ra, nó cũng sẽ khiến dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn, đặc biệt nếu nhà đầu tư dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá.
5. Điều gì sẽ đến tiếp theo?
Quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở thời điểm này nhiều khả năng sẽ khiến cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Obama vào cuối tháng 9 trở nên căng thẳng.
Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngoài ra, xét về dài hạn, khi can thiệp mạnh mẽ vào tỉ giá, động thái của Trung Quốc không khỏi khiến người ta hoài nghi về cam kết tự do hóa nền kinh tế của nước này.
6. Mỹ liệu có trì hoãn nâng lãi suất USD?
Chắc chắn không.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 5% và khi đồng Nhân dân tệ rẻ đi, hàng hóa Mỹ sẽ còn vào Trung Quốc ít hơn nữa.
Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu cũng sẽ tác động đến lạm phát tại Mỹ, hiện đã ở dưới mức 2%. Thế nhưng, quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không đủ để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi định hướng chính sách.
Vì thế, FED sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong buối họp vào tháng 9 tới.
Lãi suất đã được giữ ở sát mức 0% suốt từ năm 2008. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định 2,3% trong quý II/2015, thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 5,3%, thấp nhất trong 7 năm.