Mỗi chủ đề hay mỗi sự kiện đều mang một dấu ấn khác nhau, nhưng lắng đọng lại, người ta luôn tìm thấy tính nhân văn vẫn tồn tại.
Thế giới mạng đã có một năm 2013 đầy hỉ nộ ái ố với đủ loại chủ đề, sự kiện.
Chín người mười ý
“Truyền thống chín người mười ý” thể hiện rõ nét khi cư dân mạng cả thế giới bình luận về một công nghệ hay sản phẩm công nghệ mới xuất hiện. Năm nay, kính thông minh Google Glass cho phép quay phim, chụp hình, xem bản đồ Google Map… ra mắt, Google hứng không ít trận “ném đá” từ cộng đồng mạng. Bên cạnh những lời ca tụng, hàng loạt lo ngại cũng được đặt ra như: nguy cơ ung thư do nhiễm sóng điện từ, xâm phạm đời tư...
Không riêng gì Google, Apple cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi cư dân mạng tranh luận nảy lửa về hệ điều hành iOS 7 ra mắt hồi giữa năm. Trong lúc các tín đồ của “táo cắn dở” hết lời ca ngợi, thì luồng ý kiến ngược lại cho rằng iOS 7 chỉ là sự sao chép từ Android và Window Phone 8. Có cư dân mạng còn chụp lại hình ảnh để chứng minh trình duyệt Safari trên iOS 7 bắt chước trình duyệt Chrome của Google. Vài tháng sau, cả mẫu iPhone 5S lẫn iPhone 5C của Apple cũng hứng chịu không ít chỉ trích dù hai sản phẩm này đến nay vẫn bán khá chạy.
Bảo vệ tiếng nói
Tranh luận là thế nhưng “truyền thống chín người mười ý” cũng là minh chứng cho sự không giới hạn trong việc thể hiện quan điểm trên internet. Vì thế, cư dân mạng luôn kịch liệt phản đối những ý định, hành động hạn chế tự do ngôn luận, kiểm soát tự do cá nhân, xâm phạm đời tư.
Hồi đầu năm, việc Facebook thắng kiện Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Schleswig-Holstein (ULD) tại Đức và được phép giữ nguyên chính sách yêu cầu sử dụng tên thật trên mạng xã hội này đã khiến không ít cư dân mạng phẫn nộ. Người có nickname là WoodstockWorld đã chỉ trích thẳng thừng trên Yahoo! rằng: “Điều này (chính sách sử dụng tên thật - NV) xâm phạm đời tư”. Tương tự, sự phẫn nộ của cộng đồng internet thế giới cũng dâng cao vào tháng 3, sau khi Google và Microsoft liên tục tiết lộ nhận được hàng chục ngàn yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ các cơ quan công quyền của nhiều nước. Sự phẫn nộ đã khiến Google và Microsoft trải qua một phen lao đao.
Nhân văn lắng lại
Giữa tháng 11, cộng đồng mạng xuất hiện một đoạn phim ghi lại cảnh bạn trai của cô gái tên K.T cho người đến đòi lại quà sau khi “tình yêu tan vỡ”. Sau hàng loạt ý kiến chỉ trích, cư dân internet còn xuất bản hàng loạt đoạn phim Anh không đòi quà để châm biếm hành động “kẹo kéo” của chàng trai. Thậm chí, video clip tương tự còn được một nhóm bạn trẻ ở Úc thực hiện. Chưa dừng lại ở đó, các đoạn phim Anh không đòi quà còn làm dấy lên một vấn đề lớn hơn: Thế nào là “ăn mặc phản cảm”?. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Công an P.Hưng Phú, Q.Cái Răng (TP Cần Thơ) cho biết lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm quy định nếp sống văn minh theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ đối với N.T.T.D (16 tuổi). N.T.T.D là nhân vật chính cởi bỏ quần áo ngoài trong một video clip Anh không đòi quà. Tuy nhiên, nhiều người hoạt động trong ngành luật và cả dư luận đặt ra vấn đề “thế nào là ăn mặc phản cảm?” khi luật pháp Việt Nam còn thiếu quy định rõ ràng.
Những vấn đề thực tế trong cuộc sống đã được cộng đồng mạng phản ánh tức thời. Ngày 4.12, vụ “hôi bia” xảy ra sau khi một xe tải chở bia bị lật tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã khiến cư dân mạng cật lực lên án. Vài ngày sau, trên internet còn xuất hiện hình ảnh một người dân treo băng rôn có nội dung: "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây trưa ngày 4.12". Bên cạnh đó, hàng loạt diễn đàn và cả cơ quan ngôn luận cũng chỉ trích mạnh mẽ hành động “hôi bia”. Tất cả đã đem đến tác động thiết thực khi nhiều vụ lật xe tải chở thực phẩm, sữa, mì gói… sau đó đã không còn hành vi hôi của. Đây chính là minh chứng cho những đóng góp tích cực của cộng đồng mạng mà không ai có thể chối cãi.