Facebook phổ biến đến nỗi giờ đây mỗi khi gặp nhau, người ta hỏi tên tài khoản Facebook của bạn thay vì số điện thoại như trước kia, thậm chí gọi nhau cũng bằng cái tên ấy vì tên thật có thể quên từ hồi nào.
Facebook đã tạo dựng quá thành công một thế giới ảo y như thật, nơi người ta có thể khóc, cười, hạnh phúc, đau khổ, tâm sự, khoe khoang, kết bạn, thậm chí…yêu nhau. Nhưng cái gì ảo thường làm quá. Và Facebook dường như là một mảnh đất màu mỡ cho những người ham “làm quá”.
Tạo nên phong cách trong cuộc sống thực không dễ dàng, nhưng dường như lại không quá khó khăn để xây dựng một tính cách ảo trong một thế giới ảo. “Anh A, chị B có vẻ thế này, thế kia…’, đó là những gì chúng ta có thể thấy trong không gian ảo mà họ tạo dựng. Nhưng sự thực đôi khi trông thế mà không phải thế.
Càng sống lâu trong cộng đồng Facebook, càng thấy độ thật trong những gì người ta nói và viết quả thật… không biết đường nào mà lần. |
Đã qua rồi cái thời Facebook chỉ là chốn vui để giải trí, không chỉ những người nổi tiếng có thể bị báo chí “tóm gọn” bất kỳ lúc nào vì những status, bức ảnh đưa lên trang cá nhân, ngay cả những người bình thường đôi khi cũng trở thành nạn nhân của trào lưu “làm quá” trên Facebook.
Cái “làm quá” dễ thấy nhất, chính là việc khoe ảnh nóng, gây sốc để câu view, đánh bóng tên tuổi một cách ấu trĩ. Đây là chiêu thường thấy của các “sao xẹt”, hoặc những “hotgirl”, “hotboy” tự phong muốn tạo chút tai tiếng để dọn đường dấn thân vào showbiz.
Thực lực mỏng, cởi đồ trên Facebook là cách dễ dàng và nhanh nhất. Sự “liều” cộng với lực lượng hùng hậu những kẻ rảnh rỗi thích buôn chuyện, những cây bút chuyên “nằm vùng” Facebook của vài trang tin lá cải khiến chiêu trò này phát huy "hiệu quả" không ngờ.
Hiệu ứng rõ nhất của nó có thể thấy qua scandal rùm beng của cô nàng có nickname “Bà Tưng”. Đi theo đúng quy trình từ clip gây sốc, ảnh nóng, lên báo điều đình, ngoan hiền bất chợt, ăn năn hối lỗi… đến nay cho dù cũng phải hứng không ít lời chê bai nhưng cô gái không có gì nổi bật này đã thành công trong việc “bắt” công chúng nhớ đến tên mình, thậm chí còn được mời tham gia một vài chương trình giải trí.
Tiếp theo đà ấy, chẳng ngày nào báo chí lại thiếu những tin tức kiểu như “lộ ảnh nóng”, “phát ngôn gây sốc” của một vài nhân vật trong sự dại dột có tính toán. Kịch bản tiếp theo như thế nào là điều ai cũng có thể dễ dàng đoán ra.
Mức độ tương tác của Facebook quá cao biến nó thành trang tin hiệu quả hơn nhiều tờ báo. Và đó cũng là lý do mọi quan điểm cá nhân đều dễ trở thành vấn đề bị dư luận đem ra mổ xẻ. Còn nhớ trong đợt tuyết rơi vừa rồi ở Sa Pa, nhiều người đã phát hoảng vì vài bức hình, vài câu nói vu vơ của mình bỗng trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của cộng đồng về vấn đề đạo đức, lòng nhân ái.
Một sân chơi đơn thuần để kết nối bè bạn bị nhiều người biến thành phiên tòa, ra sức thể hiện sự bất bình với các vấn đề mà theo họ là nổi cộm trong xã hội. Chê bai người này, phán xét người nọ, thì đây cũng là một biểu hiện của tính “làm quá”, biến con kiến thành con voi để cuối cùng chỉ để chứng tỏ cái “oai” của mình.
Cùng tình trạng đó, khá nhiều lần nhiều thành viên Facebook đã khiến hình ảnh Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế bởi mang nguyên trang cá nhân với avatar hình quốc kỳ để comment thiếu văn hóa trên các Facebook nước ngoài.
Người ta chỉ “làm quá” trên Facebook khi trong cuộc sống thực họ chẳng có gì để nói: nhạt nhẽo, một màu, không đam mê. Bởi nếu ai đó sống đủ “sâu” trong thế giới thực, họ sẽ chẳng còn thời gian rảnh rỗi để tô màu cho những thứ ảo giác phù phiếm lửng lơ đâu đó giữa bàn phím máy tính và những lần nhấp chuột. |
Cái gọi là “cư dân mạng”, theo tôi kỳ thực là một cụm từ khá hài hước. Người biết tôn trọng giá trị thực của mình, của người khác, của xã hội sẽ không chỉ nhìn đời qua máy tính để phán xét mọi thứ như ếch ngồi đáy giếng.
Và họ cũng sẽ biết nên chia sẻ đời tư của mình trên một mạng xã hội rộng lớn như thế ở mức nào thì vừa, tránh biến cuộc sống riêng của mình thành một ngôi nhà không cửa để bất kỳ ai cũng có thể nhìn vào.
Càng sống lâu trong cộng đồng Facebook, càng thấy độ thật trong những gì người ta nói và viết quả thật…không biết đường nào mà lần. Có lẽ vì sống “ảo”, nên người ta dễ dàng tốt “ảo”, buồn “ảo”, vui “ảo”. Lòng tốt chỉ thể hiện qua một cú bấm “like”, vài comment sáo rỗng.
Có người bạn nói vui với tôi: “Bạn bè trên Facebook của anh lên tới hàng nghìn, nhưng khi anh cần ai đó ở bên, không có ai trong số hàng nghìn người ấy có thể dành vài phút gặp anh”. Đến một lúc, chúng ta sẽ nhận ra người vẫn miệt mài bấm “like”, comment hàng loạt trên trang cá nhân của ta, ngỡ là thân quen lắm, kỳ thực vẫn chỉ là người xa lạ vì mọi quan tâm chỉ đều là “ảo”.
Tắt máy tính, đăng xuất khỏi Facebook, chúng ta lại trở thành người xa lạ, trở thành người cô đơn.
Người ta chỉ “làm quá” trên Facebook khi trong cuộc sống thực họ chẳng có gì để nói: nhạt nhẽo, một màu, không đam mê. Bởi nếu ai đó sống đủ “sâu” trong thế giới thực, họ sẽ chẳng còn thời gian rảnh rỗi để tô màu cho những thứ ảo giác phù phiếm lửng lơ đâu đó giữa bàn phím máy tính và những lần nhấp chuột.