Ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP HCM (JETRO) - cho rằng những năm qua, số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng trong năm 2015 lại giảm 12%. Tuy nhiên, sự tác động của TPP đã khiến nguồn đầu tư từ Nhật Bản tăng trưởng trở lại, đồng thời các nguồn đầu tư cũng tăng lên theo chiến lược Thái Lan + 1, Trung Quốc + 1 nên dù có một số tác động tiêu cực như xu hướng mất giá của đồng yen nhưng cơ bản xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản sẽ vẫn duy trì, thậm chí tăng lên.
Cần nội địa hóa để giảm chi phí
Trong khảo sát, tỉ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam là 32%. So sánh với các nước trong khu vực, tỉ lệ này ở Trung Quốc là 37%, Thái Lan 24% và Indonesia 20%. Trong khi đó, tỉ lệ cung ứng từ các DN bản địa Việt Nam cũng có sự khác biệt lớn giữa 2 miền, ở miền Nam là 17%, ở miền Bắc là 9%. Có thể nói rằng tỉ lệ này ở miền Nam đang tiến gần, chỉ còn 3% là đạt đến tỉ lệ như Indonesia. Như vậy, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở miền Nam đang phát triển khá, có thể nói là đang tạo ra các điều kiện tương đối thuận lợi cho đầu tư của DN Nhật Bản.
JETRO cũng đã tiến hành các đề xuất chính sách và các hoạt động cụ thể khác để cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó chú trọng đến các hoạt động để phát triển CNHT. Theo kết quả khảo sát của JETRO vào năm 2015, tỉ lệ chi phí nhân công trong chi phí sản xuất của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là 19% và tỉ lệ nguyên vật liệu chiếm tới 58%. Hằng năm, chi phí nhân công tăng lên có làm cho chi phí sản xuất tăng, thế nhưng, chi phí nhân công chỉ chiếm 19%. Trong khi đó, việc đẩy mạnh mua hàng từ nội địa để giảm tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu chiếm tới 58% sẽ góp phần giảm mạnh chi phí sản xuất, cho nên việc đẩy mạnh mua sắm từ các DN nội địa như thế nào là một vấn đề quan trọng.
Chủ yếu tham gia công đoạn đơn giản
Các chính sách của Chính phủ chưa thật sự phát huy tác dụng. Nghị định về Phát triển CNHT được ban hành cuối năm trước vẫn chưa phát huy hiệu quả...
Trong lĩnh vực CNHT, DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm hỗ trợ phải nhập khẩu. Hoạt động của các DN này chủ yếu tham gia ở những công đoạn với công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp nên thường gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm ngay cả trên thị trường nội địa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với CNHT ngành cơ khí, chủ yếu là phục vụ sản xuất sản phẩm liên quan đến cơ khí gia dụng, sửa chữa, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu. CNHT ngành điện tử còn ở mức độ thấp. CNHT dệt may và da giày phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu. Riêng CNHT ngành cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, các DN vừa và nhỏ đáp ứng được một phần nhu cầu nội địa và có tham gia xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững,
TP HCM đã có những định hướng phát triển và chuyển dịch nhanh cơ cấu xuất khẩu, trong đó các ngành công nghiệp trọng yếu là công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin. Mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn nâng tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị, nhất là trong các ngành công nghiệp đầy tiềm năng như đóng tàu, sản xuất - lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo.