Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 35,7 tỉ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,1 tỉ USD, chiếm tỉ trọng gần 70% (trong khi cùng kỳ năm 2014 chiếm 66,7%); còn khối DN Việt đang có biểu hiện mất dần khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, kim ngạch chỉ đạt 10,6 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.
Giá hàng hóa thế giới giảm
Trong khi kim ngạch của khối FDI tăng thì nhiều mặt hàng chủ lực của DN trong nước lại có chiều hướng giảm giá trị, ngành thủy sản chỉ đạt 1,3 tỉ USD, giảm 19,8%; nhóm hàng nông lâm sản đạt 3,8 tỉ USD, giảm 10,6%; gạo, cà phê, sắt thép… cũng giảm. Dệt may, một ngành được đánh giá gặp nhiều thuận lợi trong xuất khẩu khi Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng đến thời điểm này, xuất khẩu lại không như kỳ vọng, kim ngạch chỉ đạt 4,75 tỉ USD, tăng khiêm tốn với mức 7,8% so cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo một số DN dệt may, tình hình sắp tới sẽ còn khó khăn nếu không có giải pháp ứng phó. Tại những thị trường lớn, truyền thống như châu Âu, Nhật Bản… thời gian qua đồng euro và yen liên tục mất giá so với USD, trong khi DN Việt xuất khẩu tính bằng USD nên khi hàng đến tay người tiêu dùng ở các thị trường này thì giá “tăng lên”, làm cho việc xuất khẩu thêm khó khăn.
Trong quý I, khối doanh nghiệp trong nước giảm kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do giá hàng hóa thế giới giảm. Kim ngạch 3 tháng đầu năm chỉ tăng 6,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,1% cùng kỳ năm ngoái. “Từ nay đến cuối năm, dự báo giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm nên xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn và mục tiêu tăng trưởng 10% xuất khẩu (kế hoạch cả năm đạt khoảng 160 tỉ USD) đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn” - cơ quan này dự báo.
Không tận dụng được nguồn lao động giá rẻ
Theo bản phân tích kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2015 của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố, các lô hàng từ DN trong nước tiếp tục giảm, qua đó cho thấy DN Việt đang mất dần năng lực cạnh tranh và không tận dụng được nguồn lao động giá rẻ. Kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước chỉ đạt 10,6 tỉ USD, giảm dần so với những quý trước, trong khi thâm hụt thương mại tăng lên và khối FDI lại thặng dư thương mại ngày một lớn.
“Điều đó cho chúng ta thấy điều gì? Trong 5 năm qua, việc xuất khẩu của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự thúc đẩy của các DN nước ngoài. Dù vậy, DN trong nước vẫn có cơ hội khai thác các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng hiệu quả. Nhưng hiệu suất đáng thất vọng của các DN trong nước cho thấy quá trình này đang không xảy ra đủ nhanh và việc chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài bị giới hạn. Lúc này, nếu không có chiến lược chủ động để hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực thì những lợi ích từ khối FDI sẽ bị giới hạn, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi thu hút dòng vốn ngoại kỹ thuật cao” - HSBC phân tích.
Cần hỗ trợ kịp thời cho DN trong nước Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng khối DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là số lượng DN giải thể, chấm dứt hoạt động trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 2.500 DN và trên 16.100 DN tạm ngừng hoạt động vì khó khăn... Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khu vực DN và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu dự thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Đây là những bước đi cần thiết nhưng cần sớm ban hành luật và các văn bản dưới luật để hỗ trợ kịp thời cho DN trong nước. |
Bài và ảnh: VŨ PHONG