Đó là kết quả cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng của CBRE thực hiện tháng 8-2014 với 1.000 người tiêu dùng từ 18 đến 64 tuổi tại Hà Nội và TP HCM.
Người tiêu dùng dễ dàng mua sắm trên điện thoại
Trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng của CBRE hồi năm ngoái, kết quả: 25% số người được hỏi cho biết muốn lui tới mua sắm ít hơn tại các cửa hàng. 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 45%-50% số người được hỏi cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong 2 năm tới. Tỉ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh/máy tính bảng.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, cho rằng các nhà quản lý trung tâm thương mại cần lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. Đây là vấn đề thiết yếu trong quản lý và các lĩnh vực liên quan như quảng cáo. Các nhà bán lẻ và chủ tòa nhà cần tận dụng xu hướng này để triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng. Các chủ tòa nhà nên áp dụng chiến lược đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử song hành với thương mại truyền thống, tận dụng nguồn dữ liệu thu được từ các giao dịch thương mại điện tử để theo dõi mức độ tham gia của người tiêu dùng, thực hiện chiến lược tiếp cận từ trực tuyến đến ngoại tuyến nhằm tạo ra các ứng dụng đơn giản và hiệu quả để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm trên điện thoại/máy tính bảng.
Nhiều tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam
Cũng theo nghiên cứu của CBRE, ngành hàng ăn uống có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi các nhà kinh doanh bán lẻ hạng sang lại hoạt động tích cực nhất. Trong quý I/2015, ngoại trừ các thương hiệu bán lẻ mới của Vincom Retail, thị trường TP HCM chào đón 2 thương hiệu nước ngoài mới: thương hiệu thời trang hạng sang Gucci của Ý và Hollys Coffee của Hàn Quốc. Cả 2 trung tâm mua sắm Vincom Thủ Đức và Saigon Square 3 đều có tỉ lệ lấp đầy đến 70% ngay khi vừa mở cửa. Cũng trong quý này, tại TP HCM và Hà Nội, Vincom Retail mở rộng chuỗi VinMart+ gồm các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi và tiếp tục lên kế hoạch triển khai 2 thương hiệu mới VinPro và VinDS trong năm nay.
Siêu thị VinMart đầu tiên tại TP HCM
Ngoài ra, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart. BJC mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng 300 cửa hàng vào năm 2018, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim - chuỗi cửa hàng điện máy của Việt Nam.
Theo đó, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội, lần đầu tiên kể từ quý II/2013, đã tăng nhẹ 0,7% so với quý trước, đạt 37,4 USD/m2/tháng. Tỉ lệ trống có diễn biến khá tích cực khi giảm lần đầu tiên sau 4 quý tăng liên tiếp, ở mức 18,6%, giảm 0,7% so với quý trước. Tại TP HCM, tỉ lệ lấp đầy trung bình vẫn giữ ở mức cao 75%-80% mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế và nguồn cung gia tăng. Cả 2 trung tâm mua sắm Vincom Thủ Đức và Saigon Square 3 đều có tỉ lệ lấp đầy cao lên đến 70% ngay khi vừa mở cửa.
Bài và ảnh: Vũ Phương