Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện nay, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm; tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700 ha. Dự kiến đến năm 2020, có thêm 12 dự án nhiệt điện than, tổng khối lượng tro xỉ khoảng 22,6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng tro xỉ được xử lý và đưa vào sử dụng hiện mới chỉ chiếm khoảng 30% (gần 5 triệu tấn) so với lượng thải ra hằng năm.
Cấp bách xử lý
Theo PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, mỗi nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW sẽ thải ra 1,2 triệu tấn tro xỉ và cần bãi chứa 15 ha/năm. Trong khi đó, mỗi nhà máy chỉ được cấp diện tích bãi thải xỉ với dung lượng chứa tối đa 2 năm, tương đương 30 ha.
Theo ông Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), dù đã thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhưng vẫn có một số nhà máy vùng ven biển sử dụng nước mặn để xả thải và phun vào tro xỉ để dập bụi. Điển hình là Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II (Quảng Ninh), chủ đầu tư là Công ty TNHH AES Mông Dương. Do đó, tro xỉ bị nhiễm mặn, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng
Chưa kể đến, một số nhà máy thải ra tro bay có thể sử dụng ngay nhưng lại cách xa các đơn vị có khả năng sử dụng với khối lượng lớn, dẫn tới tốn thêm chi phí vận tải, đẩy giá lên cao hơn so với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng, gạch không nung và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có khả năng sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận do không có giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.
"Việt Nam có thể sẽ phải sử dụng diện tích đất lớn làm bãi chứa xỉ thải tạo nhiều áp lực về môi trường sống. Nguy cơ các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng sản xuất cũng đang hiển hiện trước mắt. Vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ là yêu cầu rất cấp bách" - ông Tùng nhấn mạnh.
Cần cơ chế phù hợp
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho hay ở các nước phát triển, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than được xem là nguồn tài nguyên quý, được sử dụng triệt để. Nhưng, ở nước ta, do chưa nghiên cứu kỹ về vấn đề này, một số quy định đã tự trói buộc, gây khó khăn cho quá trình hoạt động của DN, vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành sớm điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với việc xử lý và sử dụng tro xỉ. Trước mắt cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ kịp thời sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu để các DN sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác dễ dàng tiếp cận và xử lý, tái chế tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện than đang và chuẩn bị đưa vào vận hành cần lập Đề án xử lý, sử dụng tro xỉ trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31-12-2018 theo Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, để phát triển nhiệt điện than bền vững, nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các nhà máy có thể chủ động xử lý các vấn đề về môi trường. Trong đó, cần xem xét sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy và bảo đảm lộ trình áp dụng phù hợp. Đồng thời, sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015 của Chính phủ.