Đó là nguyên nhân Bộ Y tế đang kiến nghị cho các doanh nghiệp làm bảo hiểm thương mại vào tham gia các gói BHYT.
Mức đóng BHYT còn thấp
Nhiều năm qua, BHYT được coi là cứu cánh của nhiều người dân, đặc biệt người nghèo, người kinh tế còn khó khăn và giảm chi tiền túi cho hàng triệu người dân nếu chẳng may ốm đau. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, số tiền người dân phải tự chi trả vẫn khá cao. Nguyên nhân là do tiền đóng BHYT ở Việt Nam còn khá thấp (hơn 750.000 đồng/năm) nên mức hưởng bị hạn chế khá nhiều. Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện tỉ lệ tham gia BHYT của người dân Việt Nam đã đạt mốc hơn 88%. Tuy nhiên, vẫn còn gần 12% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT. Đó là chưa kể người có thẻ BHYT vẫn phải cùng chi trả: 5%, 20% tổng chi; chi trả cho khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến (40%-60% nếu khám bệnh vượt tuyến); chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế; phần chi phí chênh lệch khi KCB theo yêu cầu.
Theo nghiên cứu Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) Việt Nam 2018 được mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện, được công bố mới đây, nhiều bệnh nhân cho biết dù đã có thẻ BHYT, thuộc nhóm đối tượng được BHYT chi trả 100% viện phí nhưng mỗi lần đi điều trị vẫn phải chi trả 1,1-1,5 triệu đồng mỗi ngày tiền thuốc hoặc tiền ăn uống. Theo bệnh nhân, mỗi đợt điều trị 3-4 ngày, mỗi tháng 3 lần, tổng cộng lại hơn 10 triệu đồng cả tháng. Nếu thi thoảng ốm một lần còn được, nếu điều trị dài, thường xuyên thì gia đình sẽ không cáng đáng nổi.
Nhiều dịch vụ không được quỹ BHYT chi trả sẽ được doanh nghiệp thanh toán
Bà Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ chức Sáng kiến Việt Nam) dẫn chứng mặc dù hộ nghèo đã được nhà nước hỗ trợ chi phí mua BHYT, chi trả 100% viện phí. Tuy nhiên, họ vẫn phải trả khoản tiền chi từ tiền túi tương đối lớn cho các dịch vụ y tế, kể cả điều trị nội trú, ngoại trú hay "tự chữa". "Tình trạng vay mượn để chi trả KCB của những người được khảo sát là 6,2%, thấp hơn năm 2017 (7,9%) nhưng đó vẫn là khoản kinh tế lớn khiến nhiều người không chi trả được. Khoảng 16% người được hỏi cho biết họ phải chi trả từ tiền túi khi đi KCB là nhiều và rất nhiều" - TS Hương thông tin.
Mở rộng "lưới" an sinh
Ông Khảm cũng cho biết những năm gần đây, viện phí tăng, số lượt KCB tăng dẫn đến chi phí KCB tăng nhanh trong khi mức đóng BHYT tăng chậm. Điều này khiến cho Quỹ BHYT khó cân đối thu chi khi "chi nhiều thu ít". Hiện tại, do kết dư quỹ các năm trước còn đủ chi nhưng chỉ khoảng 1-2 năm tới, Quỹ BHYT có thể thâm hụt. Vì vậy, việc mở rộng thêm quyền lợi cho người bệnh là rất khó khăn. "Hiện Bộ Y tế xây dựng kế hoạch để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp BH thương mại tham gia vào BHYT, nhằm mở rộng các gói quyền lợi của BHYT. Ngoài BHYT bắt buộc, người dân có thể đồng thời mua thêm BHYT thương mại, để chi trả những chi phí ngoài danh mục Quỹ BHYT thanh toán" - ông Khảm cho biết.
Theo ông Khảm, BHYT thương mại khá phổ biến trên thế giới. Tại Úc, BHYT chi trả 75%-80% chi phí KCB của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi KCB theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, trung ương. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường.
Trước đó, tại hội thảo "Kết nối, liên thông dữ liệu và liên kết, hợp tác giữa BHYT với bảo hiểm thương mại trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân" do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng phương án tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT và bảo hiểm thương mại là xu hướng và giải pháp y tế quan trọng, góp phần tăng tiếp cận y tế cho người dân, giảm chi phí y tế từ các hộ gia đình, giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng đây sẽ là một lĩnh vực mới mà Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các tổ chức y tế liên quan phải nghiên cứu, bàn thảo về cách thức triển khai. Điều quan trọng là phải kiểm soát chất lượng BHYT thương mại. "Ngành y tế phải giữ vai trò trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong gói BHYT thương mại là để làm sao dù các kênh tài chính khác nhau nhưng khi sử dụng phải đạt hiệu quả, không bị trùng lặp và phải minh bạch thông tin" - ông Khảm nói.