Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM năm 2015 và quý I/2016 của Hiệp hội BĐS vừa ban hành, hiện thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc.
Cần phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả
TP HCM hiện có trên 10 triệu dân với hơn 1,8 triệu hộ gia đình, gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm có nhu cầu thuê nhà, tạo lập nhà ở, cũng như hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng cũng đặt ra nhu cầu rất lớn về cải thiện nhà ở đi đôi với chỉnh trang đô thị. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn; đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp (DN) BĐS và hệ thống tín dụng.
Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại sẽ tăng Ảnh: Tấn Thạnh
Theo báo cáo, “sức khỏe” của các DN BĐS vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Trong quý I/2016, cả nước có đến 2.919 DN giải thể, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 20.044 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 23,9%. Tuy nhiên, thị trường BĐS 2016 được dự báo sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào BĐS công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, do nguồn cung tăng và áp lực bảo đảm tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng.
Phát triển đồng bộ
Khi xây dựng nhiều chung cư trong nội thành có thể làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng nếu phát triển dự án BĐS gắn liền với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị như: cầu, đường, metro, monorail, xe buýt, vận tải đường thủy... lại là phương thức hữu hiệu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Hiện nay, trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP có tiềm ẩn yếu tố làm gia tăng số lượng nhà chung cư mini trong nội thành. Hiệp hội BĐS TP HCM đề nghị lãnh đạo thành phố cần cân nhắc kỹ, thực hiện chỉnh trang đô thị theo dự án, theo ô phố, khối phố để tăng độ thông thoáng trên mặt đất và cây xanh.
Về tình trạng ngập úng, Hiệp hội BĐS cũng đề nghị UBND TP và Sở Quy hoạch Kiến trúc quan tâm một vấn đề quan trọng là quản lý chặt chẽ, thống nhất cốt nền trên phạm vi toàn thành phố đối với tất cả dự án có hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng trong đó có dự án BĐS, với nguyên tắc phải hoàn trả bằng hoặc lớn hơn diện tích mặt nước đã bị san lấp. Đồng thời, đề nghị thành phố phát triển hạ tầng giao thông và có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển đô thị về hướng Tây Bắc là khu vực cao, ít chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Vấn đề cung cấp điện, nước sạch đến đồng hồ căn hộ dự án cũng được Hiệp hội BĐS nhắc tới. Theo Luật Điện lực 2004, công ty kinh doanh điện có trách nhiệm đầu tư toàn bộ hệ thống từ lưới điện quốc gia đến đồng hồ căn hộ để bán điện cho khách hàng. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư dự án nhà ở phải bỏ chi phí đầu tư đấu nối toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế đến đồng hồ căn hộ, sau đó bàn giao lại toàn bộ tài sản này cho DN thuộc Tổng Công ty Điện lực TP HCM mà không được bồi hoàn. Tương tự, chủ đầu tư dự án nhà ở cũng phải đầu tư đấu nối hệ thống nước sạch đến đồng hồ căn hộ, sau đó bàn giao lại toàn bộ tài sản này cho “DN cổ phần” thuộc Tổng Công ty Cấp nước TP mà không được bồi hoàn. Chi phí này chủ đầu tư phân bổ vào giá bán nhà và người mua nhà phải gánh chịu. Đây là bất hợp lý rất lớn kéo dài nhiều năm qua, Hiệp hội BĐS TP đề nghị có giải pháp giải quyết triệt để.