Trong bài viết “Đã đến lúc ASEAN tỏa sáng”, ông Anthony Couse, Giám đốc điều hành JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng khi một số quốc gia thành viên, gồm Malaysia và Singapore, phải đối mặt với những thách thức của sự tăng trưởng chậm lại thì những quốc gia khác lại có xu hướng đi lên. Đặc biệt, Việt Nam đạt được những thành tựu, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6% trong năm nay, trong đó lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã có những bước cải thiện đáng kể từ năm 2015. Mới đây chính phủ đã đưa ra một số chính sách cải thiện, như áp dụng các quy định về tài chính mạnh mẽ hơn đối với các chủ đầu tư BĐS cũng như việc nới lỏng các điều luật trong đầu tư nước ngoài, giúp quốc gia này trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư từ Singapore và Nhật Bản.
Theo công bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị ở Hà Nội, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 15 tỉ USD trong năm nay. Đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt 983 triệu USD (số liệu đến tháng 10-2016), trong đó đáng chú ý nhất là
TP HCM - trung tâm thương mại của đất nước. Tương lai không xa với việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, chiếm gần 657 ha, nằm về phía Đông sông Sài Gòn và sẽ được phát triển thành quận tài chính trung ương mới, thành phố này dự kiến sẽ thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Khu vực này sẽ là nơi lưu trú của hơn 150.000 hộ dân và 200.000 chuyên gia. Hiện quận 2 đã thu hút gần 2.000 tỉ USD để phát triển thành phố sinh thái thông minh từ dự án 86 tầng Empire City Tower; Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm và dự án sinh thái phức hợp của Đại Quang Minh, trong đó kết hợp một quảng trường công cộng rộng 28 ha và công viên ven sông.
Lĩnh vực bán lẻ và nghỉ dưỡng cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong tháng 8 vừa qua, TP HCM đã chào đón trung tâm bách hóa lớn nhất tại Việt Nam đến nhà bán lẻ Takashimaya, tọa lạc tại Saigon Centre với khuôn viên rộng gần 590.000 m2. Ngoài ra, dự án Hội An South Integrated Resort hiện cũng đang được xây dựng, giai đoạn đầu của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019. Tháng 6-2016, vịnh Hạ Long đã đón nhận dự án khách sạn 5 sao đầu tiên mang thương hiệu Wyndham Legend Halong Bay.
Tuy nhiên, ông Anthony Couse cho rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề về cơ cấu. Các doanh nghiệp nhà nước cần được thiết lập lại, trong khi đó lĩnh vực ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch và cải thiện đồng nhất.
Thách thức của ASEAN là đưa ra các văn kiện phù hợp với những giai đoạn phát triển khác nhau của các quốc gia thành viên cho đến sự đa chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Các vấn đề khác cũng gây khó khăn cho sự hội nhập, cơ sở hạ tầng kém phát triển ở các quốc gia như Lào, Campuchia và Myanmar và sự thiếu thống nhất trong chính trị cũng cần phải được thúc đẩy bằng những chính sách. Dù vậy, ông Anthony Couse cho biết “Đã cảm nhận được nguồn năng lượng rất lớn ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay sau chuyến viếng thăm Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam”.
Các nhà quan sát quốc tế nhận định, trong năm 2017, các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam tăng 12% so với năm trước và dự báo những điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục gia tăng, khi thị trường minh bạch hơn và tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 6%.