Đây là chương trình cho vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở dành cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách, vừa được Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM công bố.
Theo đó, đối tượng được vay theo chương trình ưu đãi này bao gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ngành, quận, huyện; cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố.
Người vay tiền phải có thời gian làm việc từ 3 năm liên tục trở lên. Thời gian công tác được tính bao gồm cả thời gian trước đó đã làm việc tại đơn vị cùng thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố.
Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ được vay mua nhà với lãi suất chỉ 4,7%/năm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mỗi cá nhân được vay tối đa 500 triệu đồng, nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ. Thời hạn cho vay tối đa là 15 năm, với lãi suất cho vay là 4,7%/năm. Lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần. Tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay chính là căn nhà/căn hộ dự kiến mua có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM, người vay tiền phải có hộ khẩu thường trú tại TP HCM, có khả năng tài chính trả trước tiền mua tối thiểu là 30% giá trị căn nhà/căn hộ. Ngoài ra, người mua phải chứng minh được mình có nguồn thu nhập ổn định để trả vốn và lãi vay.
Tại thời điểm vay tiền, người vay (gồm người đứng tên vay cùng) không đứng tên sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng đất ở và chưa từng được Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách về nhà ở, đất ở. Trường hợp được Nhà nước giải quyết cho mua nhà ở xã hội thì vẫn được xem xét vay tiền tại Quỹ nhà ở này.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM, TP đang có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và có một bộ phận không nhỏ trong số gần 200.000 công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, y tế, cũng như người có thu nhập trung bình.
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cũng cho thấy toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Trong số này, cán bộ công chức là 10.000 người; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo là 39.000 người; lao động trong khu công nghiệp là 17.000 người.
Hầu hết các nhóm đối tượng trên đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. Đây cũng là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền và nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu.