Đó là bi kịch được ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chỉ ra khi đề cập đến mối quan hệ giữa giá nhà và thu nhập của người dân.
Trong cuộc hội thảo mới đây, một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra thực tế rằng, nếu ở các nước, giá nhà bình quân chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam, con số này lên tới 22-25 lần.
Ông Nguyễn Văn Đực đánh giá, bi kịch này cho thấy thu nhập của người Việt Nam quá thấp so với nước ngoài, đồng thời cũng thể hiện nguyên tắc trong chi tiêu tối thiểu của người Việt. Cụ thể, ở nước ngoài, nếu người dân thu nhập 100 đồng thì chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như ăn, ở, đi lại... khá thấp, khoảng 30-40 đồng, còn ở Việt Nam, những chi tiêu này có thể lên tới 80-90 đồng.
Ông Nguyễn Văn Đực dẫn ví dụ, ở Việt Nam, nếu 1 người thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì chi tiêu cho ăn ở, đi lại... cùng lắm hết 30-40 triệu, 60 triệu đồng còn lại họ mới có khả năng mua được nhiều thứ, trong đó có mua nhà.
Tuy nhiên, với người công nhân nhận lương 5 triệu đồng/tháng, thì họ đã phải ăn tới 3-4 triệu đồng/tháng, số tiền dư còn rất thấp, thậm chí không có dư. Như vậy, chỉ người giàu Việt Nam mới có tiền để mua nhà, còn người thu nhập trung bình khá khó mua nhà, người thu nhập trung bình kém và người nghèo 1 triệu năm cũng không mua nhà được.
Với mức thu nhập quá thấp như hiện nay, người nghèo rất khó để sở hữu nhà ở.
Vì vậy, vị chuyên gia bất động sản cho rằng, ý kiến của vị chuyên gia kinh tế nói trên mới chỉ nói ra một nửa sự thật khi quên tính thêm rằng người dân phải ăn hết bao nhiêu.
Từ thực tế đó, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành khẳng định rằng, số người dân Việt Nam không có nhà trong tương lai sẽ tăng lên chóng mặt. Đây là một cơn khủng hoảng rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Đực cũng chỉ ra một bi kịch khác đó là trong khi nhu cầu về nhà cho thuê ở các đô thị ngày càng lớn thì Nhà nước lại không có chính sách về vấn đề này và bản thân các doanh nghiệp cũng không mặn mà với nhà cho thuê.
Ông dẫn câu chuyện ở Tp.HCM làm ví dụ. Chẳng hạn, tại Tp.HCM, số lượng dân nhập cư để lao động có thể lên đến 3-4 triệu người, trong số đó chỉ khoảng 1% là có nhà, còn lại tới 99% phải thuê trọ. Những người đó đi làm công nhân dệt may, xây dựng, osin,... và phần đông không có trình độ nên lương tháng chỉ tầm 5-6 triệu đồng, chắc chắn suốt đời họ không mua được nhà. Họ chỉ có thể thuê nhà trọ chật hẹp, tối tăm rồi đến khi không còn khả năng lao động thì quay về quê.
Tp.HCM cũng như cả nước không có một chính sách nhà ở đúng đắn, nhất là không có nhà giá rẻ 200-300 triệu đồng, trong khi chỉ với mức giá ấy may ra mới giúp được người thu nhập mỗi tháng dưới 10 triệu đồng có nhà.
Vị này cho rằng, chính sách nhà ở xã hội của Tp.HCM làm sao phải bắt chước được như Bình Dương. Bình Dương có nhà 100 triệu đồng, Đồng Nai sắp có nhà 200 triệu đồng, tuy nhiên ở Tp.HCM, nhà 300-500 triệu đồng cũng không có cho thuê.
Không chỉ có Tp.HCM, trên cả nước cũng thiếu bóng dáng nhà cho thuê. Nghị định nhà cho thuê cách đây gần 1 năm đã soạn dự thảo tới lần thứ 10 nhưng vẫn chưa ban hành được. Không có chính sách nhà cho thuê, không có chương trình hỗ trợ nhà cho thuê thì làm sao có doanh nghiệp dám làm? Hiện nay, ở Tp.HCM mới chỉ có Công ty Lê Thành làm nhà cho thuê, mà đó là công ty nghèo chứ chẳng giàu có gì, dù họ có làm cũng chẳng khác gì muối bỏ biển. Trong khi đó, các công ty lớn của Tp.HCM như Vincom, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Novaland,... không ai làm nhà giá thấp, hầu hết họ chỉ làm nhà giá cao cho người giàu.
Kết quả là, mảng nhà ở xã hội đều bị các tổng công ty đến tập đoàn nhà nước, các công ty tư nhân lớn bỏ rơi, giờ đổ dồn lại cho những công ty nho nhỏ như Lê Thành làm. Thậm chí, một số công ty bắt đầu có mục đích làm nhà ở xã hội như Hoàng Quân cũng chỉ làm rồi bán thu tiền bởi bản thân họ cũng khó khăn về tài chính, họ không thể đầu tư lâu dài.