Ý kiến trên được TS. Lịch đưa ra tại buổi tọa đàm chủ đề 'Cơ hội mua nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội' do Báo Thanh Tra và Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay tại Tp.HCM.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong 5 năm tới, người dân sẽ có nhiều cơ hội mua nhà giá rẻ.
Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên nhân các chủ đầu tư bất động sản chuộng phát triển dự án cao cấp mặc dù nhà ở giá rẻ được hưởng nhiều ưu đãi về đất và thuế... là do đất làm dự án đang được định giá quá cao.
Ông Lịch cũng đưa ra ví dụ về một khu dân cư bị bỏ hoang suốt 20 năm tại Nhật Bản, đến khi chính phủ nước này cho đầu tư hệ thống đường sắt đô thị đi qua đây, lập tức chỉ trong vòng 2 năm nơi này đã biến thành một khu đô thị sầm uất.
"Giá đất tại các quận trung tâm cao là điều hiển nhiên, do đó để thu hút các nhà đầu tư dự án nhà ở giá rẻ ra vùng ngoại thành thì thành phố cần phải có chính sách phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ", TS. Lịch cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý Nhà ở và Công sở (Sở Xây dựng Tp.HCM), cho biết trong giai đoạn từ năm 2011-2015 UBND Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tổng số 51 dự án nhà ở xã hội trên tổng diện tích đất là 150,91ha, quy mô 48.587 căn nhà.
Trong đó, đến nay Tp.HCM đã hoàn thành được 12 dự án với quy mô khoảng 3.886 căn; còn lại 36 dự án nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được triển khai đầu tư trong giai đoạn từ năm 2016-2020 với tổng diện tích đất là 140,41ha và quy mô 44.701 căn.
Ông Hải cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, trong số 36 dự án nhà ở xã hội được đầu tư trong thời gian 5 năm tới đã có 6 dự án được khởi công xây dựng và 12 dự án khác vừa được UBND Tp.HCM có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về thị trường BĐS riêng khu vực Tp.HCM, TS. Lịch nhận định, trong 5 năm tới nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc 'thống trị' cả thị trường bất động sản bởi dư địa phát triển khá lớn. Theo đó, có hai yếu tố để khẳng định cho dự báo này là thành phố đang thực hiện mạnh chương trình kêu gọi đầu tư mới hơn 400 chu cư cũ sắp sập trên địa bàn, tiếp theo là việc di dời hàng chục nghìn hộ dân sống ven kênh rạch.
"Tôi có thể nói rằng cơ hội phát triển nhà ở giá rẻ của Tp.HCM trong giai đoạn tới là vô cùng mênh mông", TS. Trần Du Lịch khẳng định.
Nhiều chuyên gia cũng phân tích, bên cạnh 'chiếc phao' 30.000 tỷ đồng, Nhà nước vẫn có chính sách mua nhà ở xã hội (Thông tư 25/2015 Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội) và hiện nay, thị trường vẫn ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Cùng với đó, giá nhà ở xã hội thấp, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước có quy định mức lãi suất không quá 50% lãi suất liên ngân hàng cho những dự án nhà ở xã hội này. Như vậy, lãi suất mua nhà xã hội vẫn thấp hoặc chỉ ngang bằng với lãi suất của gói hỗ trợ 30.000 tỷ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội tập trung phục vụ nhu cầu người mua nhà ở xã hội. Đây là chính sách lâu dài của Nhà nước, chứ không phải giải pháp tháo gỡ tức thời, do đó sẽ không bị giới hạn thời hạn giải ngân (trừ khi chính sách thay đổi).
Tuy nhiên, vấn đề mà xã hội quan tâm nhất hiện nay là mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách - cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư và người dân, nhưng rõ ràng số lượng dự án và người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội còn rất ít.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cơ cấu các căn hộ, trong đó có loại căn hộ trên 2 tỷ đồng/căn hiện đang chiếm trên 37%, dạng căn hộ từ 1 – 2 tỷ đồng/căn chiếm hơn 50%, trong khi chỉ có khoảng 13% là dạng căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn phục vụ cho những người có thu nhập trung bình thấp. Như vậy, căn hộ giá cao chiếm số lượng gấp 6,6 lần số lượng căn hộ giá thấp.
TS. Lịch nhận xét, các ngân hàng đều có 'luật' riêng của mình nhằm bảo toàn đồng vốn khi cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, họ thường có xu hướng giải quyết cho những đối tượng có tài sản bảo đảm và nguồn thu nhập ổn định vay nhiều hơn. Do đó chính sách Nhà nước hiện nay phải làm sao đừng 'đổ' hết lên vai ngân hàng.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lý giải, nếu không xem xét lại chính sách định giá đất như hiện nay thì thành phố không thể nào thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này trong khi cơ hội là rất lớn. Điểm quan trọng nữa, theo ông Lịch là Tp.HCM vẫn thiếu một bản đồ quy hoạch đồng bộ giữa việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với những khu dân cư hiện hữu.