Vì vậy, mới có cảnh người dân chen nhau xếp hàng nộp hồ sơ thuê nhà ở xã hội.
Gia đình trẻ xếp hàng
Những ngày cuối tháng 5 dù nắng nóng hầm hập, hàng trăm người vẫn chen chân nộp hồ sơ thuê nhà tại dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Chị Nguyễn Thị Ba (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới lập gia đình nên 2 vợ chồng chưa đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Hiện, gia đình tôi đang thuê nhà của hộ dân với giá 3 triệu đồng/tháng nhưng xập xệ và thiếu an toàn. Khi đến ngày nộp hồ sơ thấy hoang mang sợ không thuê được khi quá nhiều người có cùng hoàn cảnh và nhu cầu giống mình”.
Còn anh Bùi Thắng (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi mất cả tháng để làm hồ sơ. Ngày đầu tiên có đến 300 người nộp và vài trăm hồ sơ trước đó. Trong khi số lượng căn hộ ít, nhu cầu mua lại quá đông. Giá Hà Nội có nhiều căn hộ thuê giá rẻ như thế này”.
Ông Trần Xuân Hùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng Viglacera cho biết, khu nhà ở xã hội cho thuê gồm 270 căn hộ với các loại diện tích 45m2, 47m2, 60m2, 69,5m2. Giá dự tính là 30.000 đồng/m2/mỗi tháng, phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2. “Giá thuê rẻ do chính sách ưu đãi được hưởng từ nhà nước đối với nhà ở xã hội. Hiện, số lượng hồ sơ quá lớn khiến chúng tôi phải chấm điểm, tổ chức bốc thăm quyền được thuê” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, khu nhà ở xã hội cho thuê có đầy đủ các tiện ích như nhà hàng, nhà trẻ, siêu thị, bể bơi, khu vui chơi thể thao, công viên cây xanh. Hệ thống trường cấp 1 và cấp 2 cũng sớm được khởi công xây dựng vào năm 2015. Viglacera áp dụng thời hạn cho thuê 5 năm. Hết thời gian trên, công ty sẽ bán lại cho các hộ thuê theo giá nhà ở xã hội do Sở Tài chính Hà Nội quy định tại thời điểm đó.
“Đối tượng được thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng được các tiêu chí giống như của người thu nhập thấp đăng ký mua nhà ở xã hội. Trong đó phải có xác nhận khó khăn về nhà ở tại nơi cư trú hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ một năm trở lên và đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương (nơi có nhà ở cho thuê)” - ông Hùng nhấn mạnh.
Khảo sát của PV cho thấy hầu hết đối tượng thuê là gia đình trẻ muốn mua nhà tại dự án, nhưng chưa đủ tài chính. “Họ sợ sau này hết dự án nên thuê trước để lấy quyền được mua sau thời gian 5 năm” - ông Hùng cho biết.
Còn đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Chèm -Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Đang ưu tiên xây nhà ở xã hội để bán vì số lượng hồ sơ vượt gấp 3, 4 lần so với số căn hộ để bán. Với những hồ sơ không đủ điểm, chúng tôi sẽ chuyển qua hình thức cho thuê sẽ được triển khai sau này”.
Không mặn mà làm nhà thuê giá rẻ
Ngoài dự án nhà ở xã hội cho thuê tại Đặng Xá, hiện, Hà Nội chỉ có 2 dự án NHÀ Ở XÃ HỘI cho thuê như: Khu nhà ở xã hội cho thuê Việt Hưng (Long Biên) đã đưa vào sử dụng hơn 500 căn với giá 1,5 triệu đồng/căn hộ; Khu nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai) chuẩn bị đưa vào sử dụng 86 căn với giá hơn 1 triệu đồng/căn hộ.
Trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội), cho hay để chuẩn bị một dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư mất 1-2 năm. Sau khi Nghị định 188 có hiệu lực từ năm 2014, dự án nhà ở xã hội nào khởi công đều có 20% căn hộ dành cho thuê. Như vậy, 1 - 2 năm nữa, Hà Nội sẽ có nhiều nhà ở xã hội cho thuê.
Tuy nhiên, ông Đạm cũng băn khoăn, chủ đầu tư không mặn mà làm nhà ở xã hội cho thuê vì mất từ 10 - 20 năm mới thu hồi được vốn. “Sở Xây dựng đưa ra tiêu chí đánh giá đối tượng, quản lý hồ sơ để đối tượng không được hưởng hỗ trợ 2 lần. Bên cạnh đó, Sở giám sát hoạt động cho thuê theo đúng đối tượng. Tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng thuê sẽ bị hủy hợp đồng, xử phạt, tịch thu lại nhà” - ông Đạm nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đa - Phó Giám đốc Công ty Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng (Hà Đông), cho hay: “Ngay cả quỹ nhà ở xã hội nói chung hiện nay cũng còn thiếu nói gì đến nhà ở xã hội dành cho thuê, thuê mua lại. Hà Nội muốn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất. Một dự án xa trung tâm quá cũng không thể phát triển loại hình nhà ở xã hội”.
Theo Bộ Xây dựng, tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14%. Theo Dự thảo Nghị định Quản lý phát triển nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, Bộ này đề xuất quy định các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.