Thời gian qua hầu như nơi này các chủ đầu tư không triển khai thêm dự án căn hộ, nguồn cung mới hạn chế, giao dịch nhà đất gần như giậm chân tại chỗ.
Gần đây, dựa vào thông tin nhiều dự án hạ tầng lớn sẽ được "kéo" dài từ TP HCM về trung tâm tỉnh, nhiều sàn môi giới lập tức lên chương trình "săn đón" khách hàng, nhưng tâm lý chung của khách hàng vẫn e dè, không muốn tiếp tục "rơi" vào vùng đất một thời chỉ thấy "cỏ nhiều hơn người".
Theo đại diện một số công ty dịch vụ nhà đất tại Bình Dương, các giao dịch hiện nay chỉ diễn ra ở một số dự án đã có từ nhiều năm nay, hiện giờ chủ đầu tư làm mới lại dự án và đưa sản phẩm ra thị trường. Tại Bình Dương còn có một loại hình giao dịch khác là nhiều người đã lỡ "ôm" nhiều đất trước đây giờ muốn cắt lỗ nên đẩy nhiều thông tin ra thị trường nhằm thu hút khách hàng.
Dự án The Morning City dù đã xây dựng khá hoàn thiện nhiều biệt thự, nhưng gần như rất ít người đến ở.
Ở Bình Dương, có khá nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, một thực trạng đang hiện hữu ở nơi đây là thiếu người về sinh sống. Chẳng hạn dự án The Morning City với quy mô hơn 64ha, tại phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Khu đất 64ha hiện chỉ lác đác được xây dựng một vài ngôi nhà, đa phần là đất trống để cỏ mọc um tùm, thỉnh thoảng là nơi lý tưởng của người dân xung quanh chăn thả bò. Còn những ngôi nhà có treo biển “dịch vụ nhà đất” cũng luôn trong tình trạng vắng khách.
Tương tự, tại khu Mỹ Phước có dự án Ecolake cũng rộng hơn 50ha hiện nay chỉ toàn cây xanh, hàng loạt dãy nhà xây sẵn nhiều năm qua đã xuống cấp. Chủ đầu tư gần đây cũng đã rục rịch tái khởi động để "kéo" khách hàng nhưng giao dịch khá èo uột. Nhiều dự án nằm gần TP HCM cũng đang được quảng bá bán hàng rầm rộ nhưng giao dịch khá chậm.
Nằm cách Thành phố mới Bình Dương khoảng 4km, khu đô thị Ecolake vẫn thưa thớt cư dân.
Theo lý giải của nhiều khách hàng, nhìn vào nhiều dự án chỉ có vài căn nhà được dựng lên, dù hạ tầng nội khu có tốt đến đâu nhưng cư dân quá thưa thớt nên họ không dám mua và dọn đến ở.
Đặc biệt, các khách hàng cũng cho rằng giá trị gia tăng nhà đất ở Bình Dương không hấp dẫn, những dự án tốt có mức tăng 1-2 triệu đồng/m2 trong cả năm thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Chẳng hạn, ông Khắc Trung, nhà tại đường Phan Sào Nam, quận Tân Bình cho biết từ năm 2008 ông mua 3 căn nhà tại khu đô thị Mỹ Phước II với giá gần 16 tỉ đồng, sau nhiều năm rao bán lại với giá gốc nhưng đến giờ vẫn không sang tay được cho ai.
Tại Bình Dương vẫn còn nhiều dự án khu đô thị hoang tàn, gần như không có một căn nhà nào được xây dựng.
So với các tỉnh như Đồng Nai, Long An, hiện nay hệ thống hạ tầng của Bình Dương đang phát triển tốt hơn do đã được đầu tư nhiều năm trước. Từ trung tâm Bình Dương di chuyển về TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu hay lên Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên đều rất dễ dàng qua các tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 14, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, các tuyến đường Vành đai 3, vành đai 4...
Đồng thời các tiện ích dịch vụ như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học quốc tế… cũng đã phát triển hoàn chỉnh. Trong tương lai, hệ thống metro của TP HCM được kết nối đến nhiều khu vực của Bình Dương sẽ giúp cho việc di chuyển thuận tiện hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn có những quy hoạch cụ thể và rất lớn cho thị trường bất động sản phát triển. Theo đó, chính quyền tỉnh Bình Dương xác định từng bước đầu tư phát triển theo định hướng đô thị thông minh, cải thiện hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và đến năm 2020 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng.
Nhiều chuyên gia khẳng định những yếu tố nói trên sẽ giúp thị trường bất động sản Bình Dương tăng thêm hấp lực. Nhưng, trên thực tế, trong nhiều năm liền thị trường nhà ở, đất nền ở đây vẫn đìu hiu. Vậy đâu là nguyên nhân chính? Mặc dù thời gian qua các tập đoàn bất động sản lớn của nước ngoài như Tập đoàn Tokyu, Aeon (Nhật Bản); SembCorp., Mapletree, Guoco Land (Singapore); Lotte (Hàn Quốc)… đều cam kết sẽ tiếp tục rót vốn xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp hoặc các cơ sở thương mại mới tại Bình Dương, nhưng lượng giao dịch vẫn không tăng như kỳ vọng.
Lý giải cho câu hỏi trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho biết một nguyên nhân quan trọng khiến bất động sản Bình Dương đánh mất niềm tin của giới đầu tư là bài toán đưa dân về ở các khu đô thị. Thành phố mới Bình Dương sau hơn 10 năm được hình thành, đến giờ, thành phố vẫn vắng lặng, nhiều khu đô thị thị khác tại đây cũng đang rơi vào tình trạng nhà có, người không.
"Theo quan sát của tôi, tại Bình Dương chỉ có một số dự án nhà ở giá rẻ, hoặc đất nền diện tích nhỏ kèm nhà xây sẵn có mức giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu của số đông người dân và lao động nhập cư vào Bình Dương mới được chú ý và thanh khoản tốt hơn", ông Châu cho biết thêm.
Cũng theo ông Châu, muốn một khu đô thị mới phát triển, có người dân đến ở thì phải có sự đồng bộ về hạ tầng, gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong đó hạ tầng kỹ thuật, giao thông phải có trước. Ngoài ra, hạ tầng xã hội bao gồm: trường học, bệnh viện, chợ búa, khu vui chơi giải trí và các phương tiện giao thông công cộng trong toàn khu vực… phải đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân.
"Hiện nay, Bình Dương vẫn đang thiếu và yếu những vấn đề trên. Đây là một trong những lý do khiến người dân vẫn chưa chọn những khu đô thị này là nơi an cư”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.