Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS phải do đơn vị doanh nghiệp lập ra, có đăng ký. Đây được xem là động thái mạnh tay siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch, nhân viên môi giới BĐS trong thời gian qua.
Môi giới BĐS phải có chứng chỉ
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS có hiệu lực từ ngày 16-2.
Theo đó, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: Tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới BĐS; giải quyết tình huống trên thực tế.
Đối với thí sinh có chứng chỉ môi giới BĐS do nước ngoài cấp còn hiệu lực và trường hợp xin cấp lại chứng chỉ do chứng chỉ cũ hết hạn thì chỉ phải thi phần kiến thức cơ sở, không phải thi phần kiến thức chuyên môn.
Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch BĐS phải thành lập doanh nghiệp; sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Sàn giao dịch BĐS phải có diện tích tối thiểu là 50m2 - và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Siết được không?
Ngay từ khi xây dựng Luật Kinh doanh BĐS, nhiều ý kiến đã đề nghị siết chặt quản lý hoạt động môi giới nhà đất, không để tái diễn tình trạng “cò” nhà đất tung hoành gây nhiễu thông tin, làm rối loạn thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình trước UBTVQH vào tháng 7.2014 về dự thảo Luật Kinh doanh BĐS cũng cho rằng, thế giới quản lý môi giới BĐS rất chặt, không có chuyện môi giới “ăn” hai đầu (cả của người bán và người mua) như ở ta. “Chúng ta mong muốn quản lý tốt môi giới nhưng hiện nay chưa làm được. Với quy định của dự luật, chúng ta sẽ siết lại, để ai đủ điều kiện thì tiếp tục môi giới và loại bỏ những đối tượng không phù hợp” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Từ khi soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS tới việc ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD, có thể thấy ý chí của Bộ Xây dựng trong việc kiểm soát sàn giao dịch BĐS làm rối loạn thị trường là rất rõ ràng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Nguyễn Văn Đực, cho rằng với quy định trong thông tư của Bộ Xây dựng thì “không thể quản lý nổi”.
Ông Đực nói với PV, hiện tại các sàn giao dịch phát triển bùng nổ với nhiều chiêu trò không khác gì bán hàng đa cấp như tiếp thị tin nhắn rác, quảng bá bán nhà sai sự thật, thổi giá hay thậm chí lừa đảo nhưng cơ quan quản lý không thể nào kiểm soát nổi. Ông Đực dẫn chứng quy định, nhân viên môi giới phải có chứng chỉ thì các sàn giao dịch vẫn có thể lách dễ dàng.
“Sàn giao dịch bây giờ quy mô lên tới cả nghìn người, với hàng chục nhóm trưởng. Chỉ cần nhóm trưởng có chứng chỉ để các cơ quan kiểm tra, số còn lại chỉ cần mời khách về cho nhóm trưởng làm hồ sơ” - ông Đực nói.
Theo ông Đực, cốt lõi để làm nảy sinh hàng loạt tiêu cực tại các sàn giao dịch và nhân viên môi giới BĐS là do đặc thù Việt Nam bán nhà không giống ai.
“Tức là bán nhà ảo, gọi là nhà hình thành trong tương lai. Khi mua nhà mà chưa thấy nhà thì môi giới nói toàn tiện ích, giá cả cạnh tranh dễ sinh lời, môi trường sống tuyệt vời. Nhưng khách hàng nhìn chỉ thấy bãi đất hoang vừa xây xong móng. Nước ngoài không có chuyện đó, họ mua thật, bán thật. Nếu có muốn quảng cáo sai sự thật, lôi kéo thì cũng khó vì quyền chọn lựa đã thuộc về người mua” - ông Đực nói.