Mô hình nhà ở xã hội tại Bình Dương đang là giấc mơ của nhiều người thu nhập thấp ở TP HCM. Trong ảnh: Bên trong một căn nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn
Sau khi Bình Dương, Ðồng Nai phát triển loại hình căn hộ 30 m2 với giá bán 100-150 triệu đồng, nhiều người lao động nghèo ở TP HCM bày tỏ mong muốn TP xây dựng những căn nhà giá rẻ tương tự. Chúng tôi giới thiệu các ý kiến xung quanh vấn đề này.
* Ông LÊ HOÀNG CHÂU (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM):
Căn hộ 25 m2 sàn phù hợp cho số đông
Giá đất cao và thiếu quỹ đất sạch như ở TP HCM thì không thể xây dựng được các sản phẩm căn hộ có giá 100 triệu đồng như ở Bình Dương. Tuy nhiên, TP có thể quy hoạch các khu vực đông công nhân để làm những căn hộ diện tích nhỏ và có giá phù hợp với người thu nhập thấp đô thị.
Diện tích nhà ở xã hội trong dự thảo nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng cũng đã cho phép xây các căn hộ nhà ở xã hội có diện tích từ 25-90 m2.
Hiệp hội tán thành với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25 m2 sàn, bởi vì loại căn hộ này đáp ứng được nhu cầu của đông đảo “hộ gia đình hạt nhân” (vợ, chồng và 1-2 con) hoặc hộ chỉ có hai người, hộ độc thân...
* Bà VÕ THỊ DỊU HIỀN (Phó tổng giám đốc Sacomreal):
Có thể xây căn hộ giá 200-300 triệu đồng
Chúng tôi vừa triển khai xây dựng thêm một dự án nhà ở xã hội với 1.290 căn hộ tại quận 7 (TP HCM). Diện tích các căn hộ từ 46-69 m2 với giá bán đã bao gồm VAT là 14,7 triệu đồng/m2.
Khi triển khai thực hiện dự án, chúng tôi thấy việc tạo lập quỹ đất sạch khiến chi phí của nhà ở xã hội đội lên cao.
Nếu TP HCM tạo thêm cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, hoặc giao thêm các quỹ đất sạch, đặc biệt ở các khu vực đông công nhân, thì giá nhà ở xã hội có thể kéo về mức 10 triệu đồng/m2.
Với mức giá này, nếu TP cho phép doanh nghiệp xây dựng dự án diện tích nhỏ khoảng 30 m2 sàn hoặc 20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng thì mức giá mỗi căn sẽ chỉ còn khoảng 200-300 triệu đồng. Nếu người mua nhà được tiếp cận gói vay ưu đãi thì mỗi tháng họ chỉ phải trả hơn 2 triệu đồng.
* Ông NGUYỄN VĂN ÐỰC (Phó giám đốc Công ty địa ốc Ðất Lành):
Quy hoạch tốt không sợ khu ổ chuột
Thực tế hiện nay có các khu nhà ổ chuột là do thiếu quy hoạch, người dân xây nhà trọ tự phát ở các khu vùng ven để đáp ứng nhu cầu nơi ở của công nhân, người lao động nhập cư. Nếu có quy hoạch chặt chẽ thì sẽ không sợ đẻ ra khu ổ chuột.
Theo tôi, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ dạng 30-45 m2 là rất lớn, vì mức giá các sản phẩm này nằm ở 500-700 triệu đồng đáp ứng được khả năng tài chính của đa số người dân thu nhập thấp đô thị. Ðể xây các khu nhà ở dạng này tại TP HCM phải đảm bảo quy hoạch đồng bộ, tiện ích đầy đủ, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
* Bà VŨ THỊ KHUYÊN (Phó phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM):
Sẽ xây nhà cho thuê
Diện tích tối thiểu nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng hạ thấp xuống còn 25 m2. Rõ ràng nếu diện tích nhỏ đi thì giá căn hộ sẽ thấp xuống và nhiều người dân nghèo tiếp cận được nhà ở.
Tuy nhiên đối với các địa bàn như TP HCM, áp lực dân số lên hạ tầng đang rất lớn, nếu phát triển các căn hộ diện tích nhỏ như vậy sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hơn.
Chưa kể, để làm các sản phẩm diện tích nhỏ thì giá trị đầu tư sẽ tăng lên do yêu cầu thiết kế, kỹ thuật phức tạp hơn. Mặt khác, các căn hộ diện tích nhỏ đông dân thì cần việc bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng và tiện ích liên tục, nếu không sẽ khó bảo đảm an toàn cho cư dân.
Chúng tôi khảo sát thì thấy tại TP HCM các căn hộ chung cư diện tích 45m2mới là diện tích tối thiểu của một căn hộ để đảm bảo một phòng ngủ, bếp, phòng khách...
Trong thời gian tới, chủ trương của Sở Xây dựng là ngoài các khu nhà ở lưu trú công nhân (hay còn gọi là nhà ở xã hội dành cho công nhân), sẽ phát triển các sản phẩm nhà ở cho thuê để phục vụ đối tượng công nhân, lao động tự do. Diện tích các căn hộ này sẽ phổ biến từ 30-70 m2.
TP tiếp tục kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng nhà ở xã hội bằng các chính sách khuyến khích. Cụ thể ngoài các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ về miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT còn 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và áp dụng mức lợi nhuận 10% cho chủ đầu tư thì TP HCM còn trích ngân sách cho vay ưu đãi đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân với lãi suất 0%.
Mong có nhiều căn hộ giá rẻ
Nhìn hình ảnh những công nhân cười rạng rỡ khi nhận căn hộ giá chỉ hơn 100 triệu đồng ở Bình Dương, tôi rơi nước mắt. Tôi mừng vui cho rất nhiều người lao động nghèo đã có được một căn nhà và cũng cầu mong gia đình mình có được cơ hội như vậy.
Cách đây đúng 17 năm, tôi đặt chân đến TP HCM và hùn với 10 người thuê ngôi nhà ẩm thấp ở đường Bùi Ðình Túy, quận Bình Thạnh. Nhiều đêm đang ngủ nước triều tràn vào ngập lưng, đành ngủ ngồi trên ghế. Kết quả sau nhiều lần “ngủ chung với nước cống”, tôi đã bị một số bệnh, tệ hại nhất là viêm xoang.
Từ đó đến nay, tôi đã chuyển nhà trọ thêm 13 lần nữa. Mỗi lần “du mục” là đầy nỗi vất vả: phải tìm nhà trọ tiện chỗ làm và hợp túi tiền, dọn dẹp - chuyên chở đồ đạc, đăng ký tạm trú...
Khi chính thức đến ở, lại phải đối mặt với những tình huống khó khăn không lường trước được như nhà vệ sinh hôi thối, phòng ngập nước (vì lúc đi tìm nhà là mùa nắng nên không biết), bất đồng với những người cùng thuê...
Có lần tôi cùng hai người bạn thuê phòng giá rất rẻ ở khu vực thưa dân cư thuộc quận 12. Ðêm đầu tiên, đang ngủ chúng tôi giật mình vì nghe tiếng rên la. Sáng ra thấy kim tiêm xì ke ngổn ngang...
Nhớ đời nhất là lần phải chuyển chỗ trọ khi con tôi vừa mới chào đời. Do chủ nhà trọ ở đường Phạm Hùng, quận 8, hút thuốc thường xuyên nên khi biết vợ có thai tôi vội vàng tìm chỗ trọ mới, căn phòng 7 m2 có gác lửng 4 m2 giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng, ở quận 7.
Tám tháng sau khi đến nhà trọ mới, con tôi ra đời. Chưa kịp hưởng niềm vui, hai vợ chồng tôi đón tin “sét đánh” khi người quản lý khu nhà trọ nói chúng tôi phải chuyển đi để giao phòng cho người khác.
Thế là tôi vừa đi làm, vừa chăm vợ đẻ, vừa tìm nhà trọ. Khi ẵm con đến nhà trọ mới, tim tôi đau nhói. Lúc ấy tôi trách mình sao kém tài không mua được nhà để con phải vất vả ngay từ lúc còn đỏ hỏn.
Ðến khi con biết đi, trông căn phòng trọ 7 m2 chẳng khác nào chiếc cũi nhốt con, tôi quyết định đến đường Trần Não, quận 2 thuê căn phòng có diện tích 15 m2 để con có thể ở rộng rãi, dù tiền thuê đã đến hơn 3 triệu đồng/tháng.
Ở được vài tháng, tôi lại nghe tin chỗ này nằm trong diện quy hoạch. Tôi không biết khi nào gia đình tôi lại “du cư” một lần nữa.
Với ước mơ cháy bỏng có nhà, tôi rất mong chính quyền TP HCM cho xây mỗi quận một hoặc nhiều khu nhà giá rẻ cho người lao động nghèo. Tôi biết điều kiện đất đai ở TP.HCM khó có thể có những căn hộ giá 100-150 triệu đồng mà phải cao hơn.
Với gia đình mình, vợ là giáo viên, chồng buôn bán nhỏ, thu nhập chừng 15 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ chúng tôi hoàn toàn có thể dành dụm để mua được căn hộ nhỏ có giá chừng 300 triệu đồng.
KHÁNH LÊ (TP HCM)