20/07/2013 22:25

Ông chủ khiếm thị

Từ nhỏ, Hoàng Xuân Hạnh ngỡ mình sẽ mãi bị cầm tù trong bóng tối. Song, không cam chịu bất hạnh, anh đã miệt mài vừa làm vừa học, thi đỗ 2 trường đại học rồi theo lên cao học. Giờ đây, anh là ông chủ của một trung tâm tẩm quất và là giám đốc đại diện một công ty

Chồng là chiến sĩ lái xe, vợ đi thanh niên xung phong, 2 người con đầu sinh ra đều khiếm thị bẩm sinh khiến họ như đứt từng đoạn ruột. Năm 1975, Hoàng Xuân Hạnh chào đời ở một vùng quê Hà Tĩnh trong nỗi thắc thỏm âu lo của cha mẹ. Họ đã thở phào nhẹ nhõm khi cậu bé hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, từ năm lên 1 tuổi, Hạnh bắt đầu có những biểu hiện không bình thường. Cha mẹ, anh chị hay bất cứ người và vật gì trước mắt cậu cũng chỉ là những hình bóng nhợt nhạt…
Anh Hoàng Xuân Hạnh làm việc trên máy tính như một người bình thường

Khao khát học hành

“Bố mẹ kể lại rằng lúc ấy mình đã biết đi nhưng bỗng nhiên cứ mất thăng bằng rồi ngã chúi. Bố mẹ mình hoảng quá, chạy đôn chạy đáo tìm thầy, tìm thuốc để chữa mắt cho con trai. Nếu cả 3 đứa con đều bị mù thì còn nỗi bất hạnh nào hơn! Mãi sau này, khi báo đài nói nhiều về tình trạng nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, bố mẹ mình mới tá hỏa đi xét nghiệm. Kết quả đáng sợ đã đến: Cả bố và mẹ đều nhiễm chất độc da cam” - anh Hạnh ngậm ngùi.

Đến tuổi đi học, cha mẹ đưa Hạnh đến trường. Thầy cô nhìn cậu bé có đôi mắt dài dại mờ đục, ái ngại: “Cứ để cháu học tạm ở đây một năm. Nếu thấy ổn, nhà trường sẽ nhận, còn không thì gia đình nhận cháu về”. Cuộc đời Hạnh như bước sang một trang mới, vừa nhiều niềm vui vừa không ít đắng cay, có khi cả nước mắt.

Được nhận vào trường, Hạnh học như để bù đắp lại sự thiệt thòi, mất mát của mình. “Tôi tập luyện khả năng lần mò, sờ nắm để cảm nhận hình dạng của từng đồ vật, sau đó cắt bìa, lấy dây thừng uốn theo đồ vật ấy. Tôi cũng phải tập nghe sao cho kỹ càng, chắt lọc để ghi chép lại một cách cô đọng nhất” - Hạnh nhớ lại.

Lên THPT, Hạnh bắt đầu học với chữ Braille. Tốt nghiệp THPT, Hạnh đăng ký thi vào nhiều trường đại học nhưng không nơi nào nhận. Không thôi khao khát kiến thức đến cháy lòng, năm 1990, Hạnh thi vào Viện Đại học Mở, chuyên ngành quản trị kinh doanh và học theo phương pháp đào tạo từ xa. “Dạo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam tặng mình một chiếc cassette. Có chiếc đài làm bạn, ngày ngày mình bật đúng kênh dạy kiến thức, lắng nghe và ghi chép lại. Cứ thế, sau 4 năm liền miệt mài, mình đã tốt nghiệp xuất sắc” - Hạnh khoe.

Cũng năm đó, Hạnh được Trung ương Hội Người mù mời ra làm giáo viên dạy chữ nổi cho người khiếm thị. Anh vừa học vừa làm, không nề hà việc gì, từ sản xuất tăm tre cho đến tẩm quất thuê. “Không ngờ cái công việc “cầm hơi” đó lại theo mình đến tận giờ. Hồi đó nghề tẩm quất chưa thịnh như ngày nay, lương tháng chỉ đủ cho mấy anh em cùng cảnh ngộ chắt chiu thuê một căn trọ bé xíu, ẩm ướt ở tạm bợ qua ngày. Có đêm, tụi trộm mò vào phòng nhưng vì chẳng ai “còn mắt” nên cứ nghĩ đó là bạn bè. Sáng ra, anh em ngơ ngác ngó nhau vì các vật dụng chẳng có gì đáng giá cũng bị khoắng sạch” - anh kể.

Khó khăn là thế nhưng nỗi khao khát học hành chưa bao giờ vơi trong Hạnh. Anh vẫn ngấm ngầm học, rồi năm 2000 thi đỗ vào Khoa Triết học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. “Mình thi vào trường cũng y hệt các thí sinh bình thường, không có sự ưu tiên nào. Chỉ có điều, nếu thí sinh khác viết thì người khiếm thị như mình được đánh máy. Buổi đầu, nhiều thí sinh trong phòng tỏ ra không hài lòng vì giờ thi mà có tiếng ồn thì không thể tập trung làm bài. Tuy nhiên, các buổi thi sau, khi hiểu rõ sự tình, họ đã thông cảm, thậm chí nhiều người còn tỏ vẻ cảm phục tinh thần hiếu học của mình” - Hạnh cho biết.

Tàn nhưng không phế

Năm 2004, Hạnh tốt nghiệp đại học. Chỉ một năm sau, anh xây dựng gia đình với cô gái trẻ Bùi Thị Kim Anh. Chuyện tình cảm của họ cũng gặp không ít trắc trở.

“Hồi đó, mình là giảng viên một trung tâm của Hội Người mù, Kim Anh là học viên. Tụi mình tìm hiểu chừng 7 tháng thì yêu nhau và xin 2 bên gia đình tổ chức làm đám cưới. Lúc đầu, gia đình Kim Anh chẳng ai đồng ý vì cho rằng mình mù lòa, đi còn không vững thì còn lo được cho ai! Lúc đó, mình nắm tay cô ấy, quả quyết: “Em là đôi mắt của anh. Tình yêu của tụi mình sẽ chiến thắng tất cả!”. Cuối cùng, gia đình Kim Anh cũng chấp nhận” - Hạnh hồi tưởng.

Lập gia đình xong, Hạnh bắt tay thực hiện những dự định dở dang mà anh từng ấp ủ khi anh còn làm nhân viên ở những tiệm massage. Nhiều năm chịu cảnh làm thuê, công sức bỏ ra nhiều mà đồng lương nhận được chẳng bao nhiêu, Hạnh bàn tính với vợ mở tiệm tẩm quất massage để mình có thể làm chủ, ưu tiên nhận những người khiếm thị vào làm việc.

“Khi mới lập tiệm, vợ chồng mình chạy vạy rất khổ sở. Không có tiền sắm trang thiết bị mới, mình đành mua lại những món hàng cũ. Vậy mà gom góp mãi, tụi mình mới mua được 20 chiếc máy với giá giảm 30%. Khó nhất là không có địa điểm, phải đi thuê. Chủ nhà cứ chực chờ tăng giá thuê, có khi họ ép đến nỗi vừa dọn đến được 2 tháng, mình đã phải tìm chỗ khác mở tiệm” - Hạnh băn khoăn.

Đầu tháng 10-2010, vợ chồng Hạnh quyết định nâng quy mô cơ sở của mình thành Trung tâm Tẩm quất Hoàng Kim ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, anh làm giám đốc để điều hành. Trung tâm của Hạnh lúc nào cũng có 6-7 nhân viên phục vụ thường xuyên.

Tiếp đó, Hạnh lập trang web hoangkim.net.vn và thegioimatxa.net. Hiện nay, trên trang thegioimatxa.net đã có hơn 400 gian hàng được trưng bày. “Khi lập những trang web này, mục đích của mình là để kết nối giữa những người khiếm thị với cộng đồng xã hội. Qua đó, nhân lên tình yêu thương, sẻ chia và cũng là để mọi người hiểu hơn về thế giới của những người tàn nhưng không phế” - Hạnh tâm sự.

Ngoài thời gian quản lý trung tâm tẩm quất massage, hễ lúc nào rảnh, anh lại đi dạy tin học cho người mù, chủ yếu là đào tạo cán bộ hội cho các địa phương lân cận. Hạnh còn là thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, giám đốc đại diện của Công ty Cổ phần Tư vấn - Hỗ trợ nghề Việt Nam và rất tích cực tham gia Hội Bảo trợ người khuyết tật của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe Hạnh khoe năm rồi, anh lại tiếp tục thi lên cao học. Đăng ký thi vào ngành hành chính công Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, anh trở thành thí sinh có số điểm cao nhất - 27,7 - trong tổng số 2.000 người dự thi. “Sở dĩ thi vào ngành này là vì mình muốn nâng cao kỹ năng quản lý trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời cũng để tự quản lý trung tâm của mình ngày càng ổn định” - anh thổ lộ.

Bật chiếc máy tính xách tay, Hạnh chỉ cho chúng tôi xem những tấm hình chụp cảnh gia đình. Chúng tôi lại một phen bất ngờ khi chứng kiến các ngón tay mềm mại của anh lướt trên bàn phím rất nhanh nhẹn - những thao tác thật khó tin ở một người khiếm thị. Hạnh bảo cậu con trai 6 tuổi Hoàng Anh Dũng mô tả từng người trong mỗi bức ảnh, rồi ghé tai sát vào máy tính như để cảm nhận.

“Ông nội này, bà ngoại này… Đây là bố Hạnh, kia là mẹ Kim Anh…” - giọng bé  Dũng thủ thỉ. Dõi theo cha con Hạnh, chúng tôi không khỏi xúc động. Hạnh phúc đang tràn ngập trong tổ ấm bé nhỏ, đơn sơ của Hạnh mà hơn ai hết, một người “tàn nhưng không phế” như anh xứng đáng được hưởng.

Chịu ơn thầy Hạnh rất nhiều

Tại Trung tâm Tẩm quất Hoàng Kim, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Minh, SN 1982, làm việc ở đây đã hơn 2 năm. Minh cho biết chị mồ côi cha mẹ từ bé. Năm 2011, cảm thương hoàn cảnh của Minh, anh Hạnh đã đưa chị về trung tâm để dạy nghề rồi tạo công ăn việc làm.

“Tôi thấy mình rất may mắn khi được làm việc trong một môi trường như thế này. Giờ đây, cuộc sống của tôi đã không còn những tháng ngày vất vả nữa. Tôi đã có thể tự nuôi bản thân, tự trang trải được cuộc sống. Có được như hôm nay, tôi thật sự chịu ơn thầy Hạnh rất nhiều” - chị Minh bộc bạch.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

nvhung
từ khóa :
Phương Mỹ Chi lần thứ 2 trở thành đại sứ chiến dịch "Xuân tình nguyện"

Phương Mỹ Chi lần thứ 2 trở thành đại sứ chiến dịch "Xuân tình nguyện"

Giải trí 14:47

(NLĐO) - Phương Mỹ Chi mang tinh thần tuổi trẻ xung kích, tiếp tục đồng hành cùng Xuân tình nguyện.

Hành trình gắn kết các thế hệ EVNGENCO3

Hành trình gắn kết các thế hệ EVNGENCO3

Doanh nghiệp 14:44

Sáng 18-12-2024, EVNGENCO3 đã tổ chức Chương trình Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21-12), họp mặt, tri ân lãnh đạo hưu trí năm 2024.

AEON Việt Nam tuyển thêm 5.000 nhân sự năm 2025

AEON Việt Nam tuyển thêm 5.000 nhân sự năm 2025

Doanh nghiệp 14:43

AEON Việt Nam tiếp tục mở rộng mô hình bán lẻ, dự kiến tuyển 5.000 nhân sự 2025, tìm kiếm nhân tài địa phương, phát triển sự nghiệp và tạo môi trường hạnh phúc.

CLIP: Điều tra vụ nổ súng táo tợn tại quán bida ở Vĩnh Long

Pháp luật 14:43

(NLĐO)- Nhóm đối tượng gồm 5 người đi vào bên trong quán bida, sau đó quay ra cầm vật giống súng bắn nhiều phát.

Quận Gò Vấp: Bồi thường rạch Xuyên Tâm cao nhất gần 90 triệu đồng

Quận Gò Vấp: Bồi thường rạch Xuyên Tâm cao nhất gần 90 triệu đồng

Thời sự 14:42

(NLĐO) - Tại quận Gò Vấp (TP HCM), giá bồi thường đất ở bị ảnh hưởng dự án rạch Xuyên Tâm là 88,5 triệu đồng/m2.

Án mạng đau lòng sau tiệc cưới ở Quảng Bình

Án mạng đau lòng sau tiệc cưới ở Quảng Bình

Pháp luật 14:38

(NLĐO) – Sau tiệc cưới, 2 người đàn ông ở Quảng Bình đã lao vào đánh nhau khiến một người tử vong

TAND TP HCM xét xử nhóm lừa đảo tín chấp, chiếm đoạt gần 30 tỉ đồng

TAND TP HCM xét xử nhóm lừa đảo tín chấp, chiếm đoạt gần 30 tỉ đồng

Pháp luật 14:33

(NLĐO) - Từ tháng 7 đến tháng 10-2020, nhóm bị cáo đã thay đổi thông tin và giải ngân trái phép cho 856 khách hàng, gây thất thoát hơn 29 tỉ đồng.