Hội thảo “Giới thiệu công nghệ SOTB - Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến” đã diễn ra tại UBND TP HCM vào ngày 7-11. Tham dự có ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM; ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP; lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) và đại diện Công ty Renesas (Nhật Bản), Công ty INOSO (Mỹ)…
“Cuộc cách mạng” về công nghệ SOTB
Xu thế kết nối vạn vật - IoT (Internet of Things) - đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, được áp dụng trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, y tế, vận tải, thông tin truyền thông, giải trí đa phương tiện… Tuy nhiên, khó khăn của IoT là chip gắn lên người, lên cây… không thể cắm điện mà phải dùng pin. Pin lại phải được sử dụng lâu dài. Những thiết bị này yêu cầu công suất tiêu thụ rất thấp nhưng vi mạch có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao, kéo theo sự gia tăng về công suất tiêu thụ.
Do đó, công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến SOTB (Silicon on Thin BOX) đã tạo ra “cuộc cách mạng” giảm công suất tiêu thụ cho vi mạch. Đây là một công nghệ mới, đầy tiềm năng đang được phát triển và ứng dụng ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Bà Nguyễn Thị Bích Yến, Công ty Soitec (Mỹ), nhận định: “Tiềm năng của IoT rất lớn. Hiện mỗi năm thế giới tiêu thụ từ thiết bị IoT khoảng 20-50 tỉ USD và dự kiến tăng lên 400 tỉ USD vào năm 2025”. Đây là công nghệ mà các nước tiên tiến trên thế giới đã chọn để làm bàn đạp tiến tới triển khai về thế giới IoT trong tương lai.
Ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM - phát biểu tại hội thảo
Phải đi tắt đón đầu
Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013-2020 gồm có 10 chương trình con, trong đó có dự án xây dựng nhà thiết kế vi mạch (design house); dự án xây dựng nhà máy; chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm; dự án đào tạo nguồn nhân lực; dự án ươm tạo doanh nghiệp vi mạch; đề án xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch… Từ chương trình này, trong gần 3 năm đầu, TP HCM đã tạo ra rất nhiều vi mạch, nhiều con chip do đội ngũ kỹ sư ICDREC thiết kế, đặc biệt là chip SG8V1 và chip RFID ứng dụng vào nhiều sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, như ứng dụng trong ngành điện lực, giao thông, hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống quản lý vào ra, quản lý hội thảo, hội nghị. Mới đây nhất là phục vụ Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, thành viên Ban Chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM, để đẩy nhanh phát triển công nghệ vi mạch, TP HCM cần phải đi tắt đón đầu để bắt kịp nhịp phát triển vi mạch với các nước tiên tiến trên thế giới. Ông Hoàng nhấn mạnh: “Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi chọn công nghệ SOTB để nghiên cứu phát triển. Chúng tôi hợp tác với các công ty của Nhật, Pháp, Mỹ để nghiên cứu thiết kế chip theo công nghệ SOTB”.
Sau gần một năm triển khai, đến nay, ICDREC đã thiết kế chip SG8V1 theo công nghệ SOTB. Kết quả, con chip của ICDREC thiết kế có công suất hoạt động giảm gấp 3 lần và công suất lúc đang ngủ giảm hơn 1.000 lần. Kết quả này được Công ty Renesas (Nhật Bản) đánh giá cao và đồng ý ký kết hợp tác với ICDREC về đào tạo, chuyển giao công nghệ, chế tạo thử nghiệm công nghệ SOTB. Ông Lê Thái Hỷ đánh giá cao đội ngũ kỹ sư trẻ của ICDREC trong việc thiết kế chip theo công nghệ SOTB 65 nm. “Điều đó chứng minh người Việt đã làm chủ được công nghiệp vi mạch” - ông Hỷ nhận xét. Có thể nói, sau nhiều thành công trong việc nghiên cứu thiết kế và ứng dụng vi mạch, TP HCM đã dẫn đầu cả nước và đứng thứ hai (sau Singapore) trong khối ASEAN về lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Hỗ trợ chính sách cho phát triển công nghiệp vi mạch Phát biểu tại hội nghị, ông Tất Thành Cang cho biết: TP HCM sẽ hỗ trợ đầy đủ, từ cơ chế chính sách, tài chính, môi trường…, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch vì nó là ngành công nghiệp sẽ hỗ trợ các ngành khác, tạo ra giá trị gia tăng cao. Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM, ông Tất Thành Cang cam kết sẽ dành nhiều thời gian để họp bàn, tìm cơ chế chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành vi mạch TP phát triển nhanh.. |
Bài và ảnh: Hồng Thúy