Những "nghịch lý" của TMĐT Việt
Đầu tháng 8, trang TMĐT đang được khách hàng ưa chuộng- Lingo cũng bị nhà đâu tư khai tử, khiến danh sách các trang TMĐT bị đóng cửa từ cuối 2015 đến nay thêm dài. Danh sách này gồm những cái tên lớn như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn, và vừa rồi, là Lingo.vn, và sắp tới đây là Cdiscount.
Trước những thông tin không mấy vui này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn mạnh dạn rót vốn với con số thuộc hàng "khủng" cho một số trang TMĐT Việt. Tỉ dụ, ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity (SCPE) vừa rót 28 triệu USD đầu tư vào ví điện tử Momo. Cyber Argent, Sumitomo, Seedcom và gần đây nhất và VNG rót vốn đầu tư cho Tiki.
Năm 2016 vẫn được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là thời điểm vàng để TMĐT Việt Nam phát triển mạnh. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của TMĐT vẫn là 40%. Mức tăng trưởng cho các năm tới cũng được dự báo là lên đến 40%/năm.
TMĐT vốn tiềm năng
Theo báo cáo mới nhất của Cục TMĐT & CNTT- Bộ Công thương, doanh thu TMĐT của Việt Nam, 45% người tiêu dùng Việt Nam có kết nối internet, trung bình mỗi người chi 160 USD cho việc mua hàng online trong năm 2015, hơn 15 USD so với năm 2014.
Và tính sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu thuê bao internet hoạt động thường nhật, 28 triệu tài khoản mạng xã hội, 128 triệu thuê bao di động. Trong số đó, cứ 10 người thì tới 8 người thường xuyên online, phần lớn là thông qua các thiết bị di động.
Có thể nói, TMĐT Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng và có đầy đủ cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là liệu các trang TMĐT đã có được một hướng phát triển phù hợp để tận dụng những ưu thế của thị trường cũng như sự chuyển đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng hay không.
Không dễ nhưng hoàn toàn có thể!
Sau khi đóng cửa, ngày 05/11/2015, trên giao diện của beyeu.vn chỉ còn lại thông điệp: "Ecommerce requires lots of money. Many companies will decide to stop burning. Good luck to the rest who are still trying." (Tạm dịch: Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định ngừng viết đốt tiền. Chúc may mắn cho những người vẫn đang cố gắng).
Tuy nhiên, cuộc chơi TMĐT không chỉ cần tiền và hoàn toàn không phải là cuộc chơi may rủi. Để phát triển, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia phân tích, các trang TMĐT hiện đang bị cuốn vào cuộc đua về giá và đi vào vết xe đổ của nhau. Khi nhà đầu tư không rót thêm vốn thì đóng cửa sàn giao dịch là kết quả tất yếu cho hướng đi này.
Giá không phải là yếu tố quyết định sự thành bại của một trang TMĐT nói riêng và thị trường e-commerce nói chung. Chính chiến lược kinh doanh rõ ràng để tạo sự khác biệt, tạo ra những khách hàng trung thành, mới giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong cuộc chơi đầy tính đào thải này.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập và CEO của Tiki chia sẻ quan điểm: "Năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới và đòi hỏi các doanh nghiệp định vị rõ ràng hơn trong mắt khách hàng. Đồng thời, chiến lược kinh doanh cần cụ thể và nhất quán để tạo sự khác biệt cũng như sự tin tưởng của khách hàng".
Vị CEO của Tiki cũng chia sẻ thêm, thay vì đi dàn trải và để bị cuốn vào cuộc đua giảm giá, doanh nghiệp này tập trung xây dựng giá trị cốt lõi- đánh mạnh vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tiki tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thông Fulfillment- dịch vụ hậu cần của riêng mình. Một phần mà các trang TMĐT thường bỏ qua và thuê ngoài để giảm chi phí và thời gian đầu tư.
Hướng đi chậm nhưng chắc, giúp Tiki định vị một cách rõ nét trong lòng khách hàng. Người ta đến với Tiki vì chất lượng sản phẩm, cũng như sự hài lòng với dịch vụ mua hàng, nhận hàng và hậu mãi. Chính khách hàng trung thành giúp Tiki ngày càng lớn mạnh như hiện nay.