Sáng 9-2, tại TP HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ Ngoại giao, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gặp gỡ chuyên gia, trí thức kiều bào và hội thảo “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam - 2017”.
TS Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, đánh giá cao vai trò của đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, coi đây là nguồn nhân lực KH-CN quan trọng của đất nước. Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp tài năng, trí tuệ trong ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Theo ông Tùng, trong những năm qua, Bộ KH-CN luôn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc mời chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thu hút chuyên gia trí thức kiều bào vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng nếu không có những giải pháp đột biến thì khó huy động, mời gọi các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trong khi đây là nguồn nhân lực rất quan trọng, cầu nối đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tại hội thảo nói trên, nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào thông tin về những kết quả ban đầu đáng khích lệ khi khởi nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Nhân (kiều bào Pháp) cho biết việc triển khai dự án “Hệ thống FABLAB Sài Gòn và Đà Nẵng” gặp nhiều thuận lợi. FABLAB được định nghĩa là thư viện chế tác số, cung cấp và chia sẻ công cụ sản xuất kỹ thuật số nhằm đẩy mạnh khả năng sáng tạo và sáng chế. Đây là mô hình mới phát triển tại Việt Nam, trong năm 2017 đã có 7 FABLAB đang phát triển tại các thành phố lớn của Việt Nam. Hiện nay có khoảng 1.500 FABLAB trên toàn cầu. Ông Nguyễn Vinh (kiều bào Mỹ) cũng gặt hái thành quả ban đầu từ dự án VietExd theo mô hình MOOCs đào tạo nhân lực kỹ thuật cao…
Qua 30 năm về nước khởi sự dự án công nghệ cao, TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật Bản) đã kết nối nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng như đưa nhiều sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật. Theo ông Dũng, các doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam chủ yếu là bán sản phẩm và tìm kiếm đối tác làm gia công. Do đó, Việt Nam chưa chuyển giao được nhiều về KH-CN của Nhật Bản. “Chúng ta nói nhiều về công nghiệp phụ trợ trong khi chưa chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ. Do đó, để tiến tới nền công nghiệp phụ trợ, bản thân doanh nghiệp trong nước phải tiên phong trong ứng dụng KH-CN, đầu tư nhiều hơn cho cải tiến, đổi mới công nghệ” - ông Dũng chia sẻ.