xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm công nhân, bao giờ mới mua được nhà?

BẢO HÂN - LƯƠNG HẠNH (Báo Lao Động)

Nhà ở là một trong những nhu cầu rất bức thiết của công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy vậy, với thu nhập thấp, ước mơ có một mái nhà riêng cho gia đình của nhiều CN rất khó để thực hiện.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, nơi ở của nhiều công nhân (CN) đang làm việc trong Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thường là những dãy phòng cấp bốn, được lợp bằng tấm lợp fibro ximăng, lụp xụp và tuềnh toàng. Diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, bên trong thường không có đồ đạc gì đáng giá.

Một gia đình phải thuê 2 phòng trọ

Với không gian nhỏ hẹp như vậy, cuộc sống rất bí bách. Mỗi khi trời nắng nóng đỉnh điểm, nhà trọ của họ không khác gì "lò bát quái", ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, sinh hoạt. Nếu chỉ 2 vợ chồng CN cùng với 1-2 con, 1 phòng trọ là đủ, nhưng nếu có ông, bà lên trông cháu thì nhiều CN buộc phải thuê thêm một phòng trọ mới.

Anh Nông Văn Hiếu (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải thuê 2 căn phòng trọ sát nhau, mỗi căn chỉ tầm 7-8m2. "Trước đây, khi còn độc thân, tôi thuê một phòng trọ, sống kiểu gì cũng chịu được. Nhưng từ khi lấy vợ, sinh con, rồi bà ngoại lên trông cháu, tôi phải chăm chút hơn nơi trọ, đồng thời phải thuê thêm một phòng trọ nữa"- anh cho hay.

Một phòng trọ để vợ chồng và cháu út ở, một phòng trọ dành để cho bà và cháu lớn. Một tháng, tiền thuê trọ, tiền điện nước của cả 2 phòng tiêu tốn hết 2 triệu đồng.

Làm công nhân, bao giờ mới mua được nhà? - Ảnh 1.

"Thu nhập của cả 2 vợ chồng hiện tại là khoảng 15 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, cùng với 2 triệu tiền thuê nhà, điện nước, vợ chồng tôi phải tiêu khoảng 8 triệu đồng nuôi con, mua thực phẩm, đấy là chưa kể các khoản chi khác (như ốm, đau…). Vì vậy, dù cố gắng dành dụm, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể được 1 khoản tiền ít ỏi sau nhiều năm làm công nhân"- anh Hiếu chia sẻ.

Theo anh Hiếu, ở khu vực anh sống cũng có chung cư mini rộng hơn nhưng giá thuê đắt hơn, tầm 2,5 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, anh cho hay, những CN như anh thích thuê ở phòng trọ của người dân hơn vì thấy tự do hơn.

Anh Hiếu dự định sẽ tiếp tục thuê 2 phòng trọ như hiện nay khoảng 1-2 năm nữa. Khi đó, các cháu đã lớn, anh sẽ gửi về quê cho ông bà. Hai vợ chồng sẽ tiếp tục thuê phòng trọ để kiếm sống.

"Hai vợ chồng tôi cũng đã dành dụm được 1 ít, nhưng chưa đủ để nghĩ đến việc mua đất, mua nhà. Tôi đang tính sau này khi dành dụm được nhiều hơn thì sẽ đi vay ngân hàng và người thân để mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành rồi xây nhà. Tôi nghe nói hiện giá đất ở khu vực đó là khoảng tầm 7-8 triệu đồng/m2"- anh Hiếu chia sẻ dự định.

Nhu cầu lớn, nhưng công nhân khó mua nhà

Sáng 26-3, chúng tôi tới phòng trọ của chị Đinh Hoài Thu (SN 1997, thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Trong những ngày gần đây, do mưa nhiều, độ ẩm cao, nên căn phòng rất nhớp nháp, bốc mùi mốc... Căn phòng không có gì ngoài một cái giường làm từ vài chiếc ván gỗ ghép tạm, một bình nước lọc, một cái bếp gas đã rỉ sét cùng một số đồ sinh hoạt khác.

Quê ở Tuyên Quang, hai anh chị xuống Hà Nội làm CN được 4 năm nay. Tốt nghiệp cấp 3, gia cảnh khó khăn, chị Thu đã không học tiếp mà quyết định đi làm. Với mức lương 5 triệu đồng/ tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Căn phòng trọ vợ chồng chị thuê có giá 500.000 đồng/ tháng - chỉ như một chỗ nghỉ ngơi của cả 2 sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Với giá thuê thấp, nên không ngạc nhiên khi điều kiện sinh hoạt tại phòng trọ rất tệ. "Mùa đông còn đỡ, đến mùa hè tôi chỉ muốn ở luôn tại công ty. Ở công ty còn có điều hòa mát, hoặc chí ít còn dễ thở, cứ về đến phòng là tôi ngộp thở"- chị Thu chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Linh (CN KCN Thăng Long, Hà Nội) cho biết, thu nhập của anh chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; còn vợ anh, nếu có tăng ca, làm thêm thì thu nhập cũng chỉ được tương tự. Trong khi đó, vợ chồng anh đang có cô con gái gần 5 tuổi.

Với mức thu nhập trên tính ra chị chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không dành dụm được đồng nào mặc dù đã đi làm CN nhiều năm. Đấy là chưa kể nhiều khoản chi không thể định trước, như tai nạn, ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, khi nhắc đến việc mua nhà, anh Linh chỉ biết… lắc đầu và nói, anh chưa thể nghĩ đến vì gần như làm được đồng nào tiêu hết đồng đấy, không dành dụm được gì nhiều.

Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh - cho biết, trong các KCN của tỉnh có khoảng 330.000 CNLĐ, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh. Trong số các lao động ngoại tỉnh này, có khoảng 70.000 lao động được xe ôtô DN đưa đón về nhà; trên 70.000 lao động tự đi bằng các phương tiện cá nhân; còn lại khoảng 80.000 người đang thuê nhà do người dân xây dựng. Số DN xây nhà cho CN rất ít, chỉ có 1 vài DN ở KCN Tiên Sơn, Quế Võ, giải quyết nơi ở cho khoảng 3.000 CNLĐ.

"Nhiều CN trong các KCN tỉnh Bắc Ninh đang rất mong muốn có được nhà ở, nhưng điều quan trọng là giá nhà ở có phù hợp với thu nhập của CN hay không. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để CNLĐ có thể mua nhà"- ông Quyết cho biết.

Nhiều nhà đầu tư không mặn mà

Nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân KCN lớn, nhưng tại sao các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân lại chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng hạng mục công trình này?

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Tuy nhiên, con số này hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% trong khoảng 4,8 triệu công nhân, người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở.

Cũng theo chủ trương ưu đãi phát triển dự án nhà ở xã hội, thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ toàn bộ (hoặc một phần) chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án, công nhân mua nhà sẽ được tiếp cận các khoản vay ưu đãi… nhưng thực tế, không mấy dự án thực hiện được các nội dung này. Các chủ đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng KCN thường được UBND các tỉnh giao luôn cho triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân mà không thông qua đấu thầu dự án. Khi đó, theo các quy định hiện hành, dự án chỉ được bố trí cho người lao động làm việc trong KCN vào ở. Như vậy, dự án sẽ không được bán cho các đối tượng được hưởng chính sách thuê/mua nhà ở xã hội khác như quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở.

Từ đó, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn, vì họ phải huy động một số tiền lớn để đầu tư, trong khi các khoản thu về chỉ là nguồn thu nhỏ lẻ từ cho thuê hằng tháng (đối với công nhân, phần mua nhà chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với thuê để ở) và chủ đầu tư vẫn phải chịu các khoản lãi vay ngân hàng trong một thời gian dài, dẫn đến thời gian hoàn vốn rất lâu. Chưa kể, việc khống chế lợi nhuận không vượt quá 10% tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ đó các nhà đầu tư không thực sự mặn mà với mô hình này. Tr.X


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo