xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở khu công nghiệp

Bài và ảnh: CHÂU LOAN

Tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có thêm chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục mầm non tại các KCN, cụm công nghiệp

Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp, tuy nhiên tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) bảo đảm chất lượng khiến con công nhân (CN) các khu, cụm công nghiệp không được phát triển toàn diện trong giai đoạn đầu đời.

Mô hình nhà trẻ trong doanh nghiệp

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 1.021 cơ sở GDMN ở khu, cụm công nghiệp, trong đó có 119 trường công lập, 323 trường tư thục, 579 cơ sở GDMN độc lập tư thục với 13.622 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, riêng giáo viên (GV) là 7.104 người.

Bình Dương hiện có 11 trường mầm non hoạt động trong doanh nghiệp (DN) với phương châm phục vụ người lao động không vì lợi nhuận. Ví dụ, trường mầm non của Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (TP Thuận An) được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu gửi con của người lao động, giúp họ yên tâm làm việc. Để xây được trường, ban giám đốc đã nỗ lực rất nhiều - từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến lên phương án xây dựng, tuyển dụng GV. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của CN. Trường hiện có 14 GV và 2 bảo mẫu, bộ máy hoạt động và giáo trình học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi năm, trường đón khoảng 250 - 300 trẻ từ 3 - 5 tuổi theo học. Lương GV và bảo mẫu do DN chi trả, CN chỉ đóng khoảng 65% tiền ăn và học phí cho con. Tất cả CN làm việc tại công ty có nhu cầu gửi con tại trường đều được giải quyết, nếu quá số lượng thì sẽ ưu tiên những CN có thâm niên làm việc.

Cần chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở khu công nghiệp - Ảnh 1.

Nữ công nhân Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn tranh thủ buổi trưa ghé thăm con tại nhà trẻ trong khuôn viên nhà máy

Hay trường mầm non tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP Thuận An) có khoảng 300 trẻ đang theo học. Mỗi tháng, CN chỉ đóng tiền ăn cho trẻ, các chi phí khác do DN hỗ trợ. Tại KCN Mỹ Phước, nhà trẻ của Công ty TNHH Yazaki EDS được thành lập từ năm 2008 với hơn 200 con CN theo học. Ở thị xã Bến Cát, nhà trẻ của Công ty TNHH May Quốc tế đi vào hoạt động từ năm 2009 với 4 lớp miễn phí, số lượng trẻ hiện nay là 100 cháu (từ 2-5 tuổi)...

Nhiều chính sách hỗ trợ

Để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho GDMN.

Cụ thể, căn cứ Đề án "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX đến năm 2020" (Đề án 404) của Chính phủ, tỉnh Bình Dương ban hành quyết định thành lập Ban Điều hành đề án của tỉnh và hằng năm đều phân công các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện. Ngoài hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở địa bàn có KCN, cụm công nghiệp, tỉnh còn trợ cấp cho trẻ mầm non là con CN và hỗ trợ đối với GV mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-KCX. Để khắc phục tình trạng thiếu GV, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành bổ sung và duy trì chế độ, chính sách đối với đội ngũ GV mầm non công lập nhằm thu hút nguồn nhân lực vào ngành học mầm non và phần nào giúp đội ngũ này an tâm công tác như: hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên của nhà trẻ, mẫu giáo, các trường mầm non bán trú 200.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ GV cơ sở GDMN công lập bán trú từ 4 - 6 ngày lương/người/tháng; GV mầm non trực tiếp đứng lớp có số trẻ vượt từ 20% trở lên so với số trẻ/lớp theo quy định được hưởng 4 ngày lương/tháng/GV... Tỉnh cũng đã huy động được các cá nhân, DN, tổ chức xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực GDMN. Đến nay, kinh phí xã hội hóa GDMN phục vụ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN (công lập và tư thục) tăng bình quân hằng năm hơn 100 tỉ đồng.

Để tạo sự công bằng trong việc hỗ trợ chính sách phát triển, tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ là con CN trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ… ngoài KCN, cụm công nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục loại hình trường tư thục, vì một số trường sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19 khi hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có thêm chính sách ưu đãi cho DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào GDMN tại các KCN, cụm công nghiệp như: tăng mức vay ưu đãi, vay vốn không lãi suất, miễn, giảm thuế… để đáp ứng nhu cầu gửi con của CN, hướng đến mục tiêu phát triển GDMN ổn định, bền vững, khoa học, hiện đại… 

Giải bài toán thiếu giáo viên

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nhiều DN ở Bình Dương muốn thành lập nhóm trẻ học tại nhà máy, xí nghiệp để giảm thời gian CN đưa rước con. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là tình trạng thiếu GV cũng như những quy định về chính sách tiền lương. Trẻ học tại các trường mầm non do DN thành lập không được cấp giấy chứng nhận hết bậc mầm non chính quy như trẻ học ở trường công lập. Do đó, kiến nghị trung ương cần có chính sách giáo dục đặc thù tại các KCN.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo