Chuyện những người đào hầm xuyên núi

Trong những ngày rong ruổi trên các công trường thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, được tận thấy, nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của “những người thợ” đào hầm - mở đường, góp phần tạo nên hình hài của mạng lưới cao tốc rộng lớn, kết nối những miền đất của Tổ quốc.

Kỷ luật

Được sự cho phép của anh Ngô Hữu Khoa, chúng tôi theo chân các anh để ghi lại một ngày làm việc của những người thợ đào hầm núi Vung.

Đó là một ngày đầu tháng 12-2023, anh Khoa, "tư lệnh" hạng mục hầm núi Vung đón chúng tôi bằng khuôn mặt tươi cười niềm nở. Nhóm chúng tôi có nhiệm vụ thâm nhập lòng hầm núi Vung thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để ghi lại những hình ảnh chân thật nhất của những người thợ đang ngày đêm khoét núi mở hầm.

Làm hầm là công việc có yêu cầu kỹ thuật cao và các quy định về an toàn phải được kiểm soát nghiêm ngặt để không xảy ra bất kỳ sai sót nào trong quá trình thi công. Một ngày làm việc ở đây tạm tính bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng. Nói tạm tính bởi ở công trường hầm các anh thi công 3 ca/ngày, 24/24 đều có kỹ sư, công nhân bám công trình làm việc, 6 giờ sáng là thời điểm giao ca giữa ca 3 và ca 1.

Tại cửa phía Bắc hầm núi Vung, anh Khoa và ban chỉ huy tập hợp nhóm kỹ sư, công nhân để triển khai công việc, đồng thời phổ biến, nhắc nhở các quy định về an toàn lao động. Gặp mấy cậu kỹ sư trẻ, đội mũ bảo hộ nhưng quai lại vắt ngược lên vành mũ, anh cáu: "Đội mũ thì cài quai vào. Nghiêm túc thực hiện theo quy định đi". Cứ cọc cằn như thế nhưng ai cũng hiểu rằng điều đó xuất phát từ nỗi lo lắng cho sự an toàn của mọi người nên đều vui vẻ chấp hành.

Chuyện những người đào hầm xuyên núi- Ảnh 1.

Họp giao ca tại hầm núi Vung

Xong xuôi, anh trở về nhà điều hành họp giao ban cùng các ca trưởng, trưởng bộ phận và các nhân sự liên quan. Khác hẳn với sự thoải mái khi anh em chuyện phiếm, lúc đã vào công việc, không khí nghiêm túc, căng thẳng bao trùm căn phòng họp với hơn 20 con người. Người cầm trịch cuộc họp đi từng vấn đề một, các trưởng bộ phận báo cáo về hoạt động của bộ phận mình.

- Chỗ phom bị dính bê tông phải cho xịt rửa sạch sẽ đi. Trông chả ra làm sao.

- Chỗ chân lề, mấy ông chỉ huy trưởng lưu ý đi. Chỗ này tôi chỉ nhìn sơ qua là đã thấy mà các ông cứ để phải nhắc mấy lần rồi. Có làm được không hay để tôi giao cho người khác?

… và nhiều vấn đề khác được đưa ra xử lý. Những chỉ đạo ngắn gọn nhưng đanh thép được ban hành, gắn trách nhiệm, thời hạn xử lý cụ thể cho từng cá nhân, bộ phận. Cuộc họp kết thúc sau khoảng 30 phút, mọi người giải tán để tiếp tục công việc một ngày của mình.

Thấy chúng tôi vẫn còn vẻ hoang mang trước không khí buổi họp, anh Khoa cười bảo: "Thông cảm nhé, dân công trình bọn anh nó vậy".

Dĩ nhiên, chúng tôi thấu hiểu. Bởi đây là những người trực tiếp chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và an toàn của cả một công trình lớn. Họ không thể không nghiêm túc, cẩn trọng với nhiệm vụ của mình. Kỷ luật công trường là kỷ luật thép.

Lúc làm việc căng thẳng là thế, nhưng tới giờ ăn cơm, anh em lại ngồi cùng nhau, xuề xòa với những câu chuyện cuộc sống, công việc. Bữa cơm tập thể luôn đầy ắp tiếng cười.

Sau cuộc trao đổi ngắn, chúng tôi quay lại công trường để chính thức "thâm nhập" lòng hầm núi Vung. Tôi là phụ nữ nên không thể đi vào trong lòng núi khi công trình chưa hoàn thành. Thấy tôi có vẻ "hờn dỗi" khi không được vào lòng hầm, anh Khoa ái ngại: "Không phải bọn anh không muốn cho (phụ nữ vào hầm). Nhưng có những quy tắc người đi trước để lại, người sau không dám không tuân theo. Có kiêng có lành mà".

Khoảng 1 năm trước, khi đào được 200m từ cửa hầm phía Nam, mũi thi công phát hiện mạch nước ngầm chảy thành dòng, lưu lượng khoảng 8-10 m3/giờ. Địa chất trong hầm là đá phong hóa mạnh đến hoàn toàn (đá bị biến đổi do nhiệt độ, nguồn nước, không khí và các loại axit trong tự nhiên). Nếu gặp nước, về lâu dài đá phong hóa có thể sạt lở. "Các hầm khác cũng có mạch nước ngầm, nhưng nhỏ, có thể xử lý dễ dàng. Hầm này dòng chảy mạnh, nguy cơ sạt trượt lớn, việc thi công rất nguy hiểm nếu không có kinh nghiệm", anh Khoa kể.

Chuyện những người đào hầm xuyên núi- Ảnh 2.

Vấn đề địa chất yếu tại hầm núi Vung đã được xử lý

Trên nhóm báo cáo của ban điều hành hầm, tình hình địa chất được cập nhật liên tục. Kỹ sư địa chất được bố trí để theo dõi nghiêm ngặt địa chất trong hầm. Hàng chục kỹ sư thi công và giám sát có kinh nghiệm được bổ sung, ăn nghỉ ngay tại cửa hầm. Mọi điều kiện tốt nhất được huy động để đảm bảo an toàn thi công.

Bằng kinh nghiệm thi công thành công nhiều công trình hầm trước đó của đội ngũ kỹ sư Đèo Cả, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành, vấn đề địa chất hầm núi Vung đã được xử lý. Song song với việc gia cố và thi công hầm phía Nam, nhà thầu huy động khoảng 1.000 công nhân, kỹ sư, hàng trăm đầu máy thiết bị để tổ chức thêm nhiều mũi thi công ở phía bắc nhằm bù lại tiến độ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành hầm Núi Vung và toàn dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo kế hoạch.

Cải tiến công nghệ

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng còn trẻ nhưng là nhân vật lão làng trong ngành đào hầm xuyên núi. Hiện anh là chỉ huy trưởng hạng mục hầm số 2 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Anh và đội ngũ kỹ sư của mình là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đào hầm nhất.

Anh Đăng thuộc kiểu người khiêm tốn và kiệm lời. Nhưng lúc tôi phỏng vấn anh về cách mà anh cùng đội ngũ của mình cải tiến phương pháp đào hầm, tôi bất ngờ vì anh có thể thao thao bất tuyệt về vấn đề này hàng chục phút. Chỉ qua giọng nói thôi cũng cảm nhận được niềm say mê của anh đối với nghề. Anh giải thích cặn kẽ về phương pháp đào hầm cải tiến, tăng mũi đào như thế nào, lợi ích ra sao, đến người ngoại đạo như tôi cũng có thể hình dung được.

Hạng mục hầm số 2 nằm giữa hầm số 1 và số 3, bị ngăn cách bởi 2 thung lũng nên rất khó tiếp cận. Để tiếp cận được công địa hầm này phải đi qua tuyến đường công vụ dài 3,6 km với hiện trạng là đường đất, độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở và bị chia cắt vào mùa mưa. Bên cạnh đó, gần hạng mục này cũng không có bãi thải và bãi tập kết vật liệu, công tác thi công và di chuyển giữa các hạng mục gặp nhiều khó khăn.

Chuyện những người đào hầm xuyên núi- Ảnh 3.

Làm việc trong hầm yêu cầu sự tập trung cao độ

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hầm số 2 để gỡ nút thắt tiến độ, đội ngũ kỹ sư đã nghiên cứu và đưa ra phương án cải tạo phương pháp đào bằng cách tăng bước đào gương hầm và tăng mũi đào hầm. Cụ thể, theo phương pháp cũ, các ống hầm sẽ được đào theo 2 mũi từ 2 đầu hầm, gặp nhau ở điểm giữa hầm. Với phương pháp mới được các kỹ sư Đèo Cả đưa ra, khi đào đến ngách thông ngang sẽ tiến hành bổ sung thêm 2 mũi đào từ giữa, tổng cộng có 6 mũi đào. Mỗi gương hầm cũng sẽ tăng từ 2 lên 3 bước đào, chu kỳ thi công mỗi gương rút ngắn 2 giờ so với cách đào cũ, tổng thời gian thông hầm rút ngắn hơn 4 tháng so với phương pháp đào thông thường.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng cho biết, việc tăng mũi đào và bước đào không làm tăng chi phí mà ngược lại còn tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tiết kiệm khi giảm được chi phí nhân công, máy móc trong 4 tháng rút ngắn tiến độ. Chỉ tính riêng chi phí máy khoan, máy phun, nhân công tại hạng mục hầm số 2 dự kiến tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng.

"Không chỉ tiết kiệm chi phí như máy móc, nhân công thi công trực tiếp tại hạng mục này, khi thông hầm 2 và sử dụng như đường công vụ cũng rút ngắn thời gian vận chuyển nguyên vật liệu, tháo nút thắt đẩy nhanh tiến độ toàn tuyến cao tốc. Bên cạnh đó, việc sớm đưa tuyến vào phục vụ người dân, mang lại uy tín, thương hiệu cho Tập đoàn là những lợi ích không thể lượng hóa bằng tiền", kỹ sư Bùi Hồng Đăng nói.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để giành phần ai

Anh Nguyễn Duy Sông gây ấn tượng cho tôi bởi dáng người đậm chắc, da sạm màu dân công trình nhưng ánh mắt thì luôn ngời sáng vẻ tinh anh. Đã kinh qua nhiều dự án hầm xuyên núi như Hải Vân 2, núi Vung, Thung Thi, hầm bao biển… hiện anh đang là chỉ huy trưởng hạng mục hầm số 1 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Hầm số 1 hiện vẫn đang trong quá trình đào. 8 giờ tối, chúng tôi, gồm 2 người thuộc nhóm media và một cán bộ trẻ do Ban điều hành dự án cử làm hoa tiêu, được đích thân anh Sông dẫn vào lòng hầm. Tất nhiên, như thông lệ tôi lại phải ở ngoài cửa hầm để … "đếm đá cuội".

Cho những ai chưa biết, có một tục lạ của những người làm hầm xuyên núi là khi hầm chưa hoàn thiện, chưa làm lễ thông xe thì phụ nữ không được đi vào trong lòng hầm. Lý do bắt nguồn từ một truyền thuyết cho rằng thần núi là một vị nữ thần nên không thích những người phụ nữ khác đi vào "lãnh địa" của mình. Còn một số quy tắc bất thành văn khác nữa nhưng đều thể hiện rằng làm hầm xuyên núi là một công việc vô cùng thiêng liêng và quan trọng nên "cẩn tắc vô ưu". Âu cũng là thể hiện nét văn hóa của người Việt ngay cả trong công việc như đào hầm xuyên núi với những công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất.

Nhưng lúc này, khi đang ngồi "đếm đá cuội" đợi đồng nghiệp, tôi thấy họ bước ra với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi có thể vắt ra được. Sông bảo, trong hầm nhiệt độ thường 40 độ C. Tôi bỗng vỡ lẽ ra một điều rằng, liệu khi phụ nữ được phép vào hầm, thì mấy ai có thể chịu đựng được môi trường khắc nghiệt như thế? Đó không phải là trọng nam khinh nữ, mà phải chăng là một sự ưu tiên dành cho phái yếu?

Đồng nghiệp khoe tôi những bức hình tâm đắc chụp được trong hầm. Qua những bức ảnh tôi cũng có thể cảm nhận được không khí làm việc nghiêm túc. Những gương mặt ròng ròng mồ hôi đang tập trung hoàn toàn vào công việc.

"Còn sớm mà, vào đây nói chuyện đã". Pha ấm trà mới, anh Sông bắt đầu thao thao bất tuyệt về những con đường, cây cầu và đường hầm anh đã kinh qua. Chúng tôi say mê theo câu chuyện anh kể về những ngày đi khảo sát công địa.

Theo anh Sông, vất vả nhất nhưng cũng thú vị nhất chính là quá trình ban đầu đi khảo sát thực địa và mở cửa hầm. Cửa hầm thường nằm ở chân núi cách xa trung tâm, anh cùng nhóm khảo sát băng hàng chục ki-lô-mét đường rừng, ăn gió nằm sương, cơm hộp, bánh mì để tiếp cận vị trí cửa hầm. Rồi những ngày bỏ xe ô tô, anh em cùng ngồi trên chiếc xe kéo của đồng bào Tây Nguyên đi khảo sát thực địa một dự án khác. Chúng tôi cũng theo anh ngược dòng thời gian về thời điểm làm hầm bao biển trong đại dịch Covid…

"Anh giờ già rồi. Nghĩ đôi lúc cũng muốn chọn công việc "khỏe" hơn, gần gia đình nhưng ngặt nỗi vẫn còn yêu nghề quá, nên phải nghề thôi!", anh cười, mắt nheo nheo.

Đang nói chuyện bỗng nghe "uỳnh" một tiếng rất lớn. Thấy chúng tôi hoang mang, anh Sông thản nhiên: "Anh em nổ gương hầm đấy, ngày vài lần như thế, bọn anh quá quen rồi".

Anh em ở đây làm ca kíp, phải đổi ca mỗi 2 tuần. Nhiều người không kịp thay đổi nhịp sinh học nên bị mất ngủ, có những ngày hoàn toàn không ngủ được giờ nào. Có những lúc đang ngủ thì lại "uỳnh" một tiếng là lại tỉnh hẳn, không ngủ lại được. Có lẽ bởi thế, nên giờ giấc đã không còn quan trọng đối với anh em làm hầm khi 8 giờ 30 tối mà anh nói với chúng tôi là vẫn còn sớm.

Những sự vất vả mà chúng tôi được trải nghiệm, chỉ là một phần công việc hàng ngày của hàng nghìn người đang miệt mài xây hình, nắn dạng cho những con đường huyết mạch của tổ quốc.

Tất nhiên tôi không hoàn toàn nhìn những người "đào hầm" qua lăng kính "bi tráng" để xây dựng hình tượng những người công nhân cực khổ. Ai cũng vậy, công việc gắn liền với cơm áo, gạo tiền. Công việc vất vả nhưng đổi lại là thu nhập ổn định. Nhưng đối với các anh, cùng với nhiệm vụ gánh vác gia đình, là nhiệm vụ cao cả mà nhân dân, đất nước giao phó. Bởi "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để giành phần ai?".


Nguyễn Nga
từ khóa : an toàn lao động

Viết bình luận

Đèo Cả chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống ITS và ETC

Đèo Cả chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống ITS và ETC

Sản xuất - Kinh doanh 16:23

Ngày 7-5-2024, đoàn công tác Ban Quản lý dự án 7 đã đến dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm triển khai và quản lý vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí không dừng (ETC).

Doanh nghiệp đồng hành và hỗ trợ nhân dân Điện Biên trên mọi mặt đời sống

Doanh nghiệp đồng hành và hỗ trợ nhân dân Điện Biên trên mọi mặt đời sống

Hoạt động cộng đồng 14:01

Thông qua hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn…, Tập đoàn TH, Ngân hàng Bắc Á và Quỹ Vì tầm vóc Việt mong muốn tiếp sức bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn tới toàn thể cán bộ nhân viên cũng như thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay

Công đoàn Công ty VWS tri ân người lao động

Công đoàn Công ty VWS tri ân người lao động

Doanh nghiệp 09:53

Dưới cái nắng gay gắt của tháng 4 và tháng 5, những công nhân đang làm việ tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước vẫn thấy mát lòng bởi những hành động quan tâm nhỏ nhất từ Công đoàn Công ty VWS

Fucoidan Umi No Shizuku 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng

Fucoidan Umi No Shizuku 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng

Doanh nghiệp 08:00

Fucoidan UMI NO SHIZUKU là sản phẩm được làm từ những thành phần tự nhiên, chất Fucoidan được chiết xuất từ tảo biển Mozuku, Mekabu và chiết xuất của sợi nấm Agaricus, vua của các loại nấm trên đất liền

EVNGENCO3 đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua

EVNGENCO3 đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua

Doanh nghiệp 17:17

Sáng 4-5-2024, tại UBND Thành phố Thủ Đức, TP HCM, Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố Thủ Đức long trọng tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang thành phố, giai đoạn 201-2024.

Gangwhoo vinh dự có 3 bài Báo cáo tại KSAS và 11 Bác sĩ trở thành Hội viên KCCS

Gangwhoo vinh dự có 3 bài Báo cáo tại KSAS và 11 Bác sĩ trở thành Hội viên KCCS

Sản xuất - Kinh doanh 16:06

Trong lĩnh vực thẩm mỹ làm đẹp, bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo là đơn vị có đội ngũ bác sĩ có chuyên môn tốt và kỹ thuật giỏi. Vừa qua đơn vị đã vinh dự khi có 3 bài báo cáo tại KSAS và 11 bác sĩ trở thành hội viên KCCS.

EVNGENCO3 sẵn sàng sản xuất điện cao điểm mùa khô 2024

EVNGENCO3 sẵn sàng sản xuất điện cao điểm mùa khô 2024

Doanh nghiệp 09:24

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.