Mua để bán
Khi hãng viễn thông S., nơi mà bà B.C (quận Phú Nhuận, TP HCM) làm việc với cương vị là một nhân viên của phòng đối ngoại, phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với các hãng viễn thông lớn trong nước, bà B.C đã chuyển sang mua bán hàng xách tay với nhóm hàng chính là mỹ phẩm, thực phẩm cho bé, thực phẩm chức năng cho người lớn, dược phẩm…
Bà B.C cho biết gia đình đã kinh doanh nhóm hàng này theo kiểu xách tay từ lâu nên dễ dàng tiếp cận với khách hàng và lựa chọn hình thức kinh doanh. “Có hai cách mua hàng. Trước hết lên mạng mua hàng vào những lúc giảm giá, sau đó giao hàng đến địa chỉ người quen bên Mỹ, Úc…, nhờ họ mang về Việt Nam. Trong trường hợp không có người về, cứ giao hàng tại các đại lý giao nhận hàng hoá bên đó”.
Với số vốn ban đầu là 50 triệu đồng, sau gần nửa năm kinh doanh hàng xách tay, theo lời bà B.C, tiền lãi cao hơn lương ở hãng viễn thông S., nhưng vì “đang trong giai đoạn tái đầu tư” nên chưa thấy có dư!
Người ít vốn, chưa có nhiều khách hàng, chọn cách bán hàng xách tay qua website hoặc Facebook để tiết kiệm chi phí. Khoảng cách xa, người bán nhờ dịch vụ giao hàng. Còn khoảng cách gần, người bán trực tiếp giao hàng theo hình thức chia đôi phí giao nhận với khách mua. Với những người làm lâu năm trong nghề, có nhiều vốn, có nhiều khách thì mở cửa hàng, không ngại ngần trưng biển: “hàng xách tay từ Mỹ” hoặc “hàng Mỹ xách tay… 100%”.
Mỹ phẩm, quần áo…
Bà Thuỳ (Gò Vấp, TP HCM) cho biết trong những năm gần đây, mỗi năm bà Thuỳ mua hàng xách tay ít nhất hàng trăm triệu đồng! “Nhiều người thích mua hàng xách tay là vì giá cả. Nếu chịu khó săn lùng, có người nhà ở nước ngoài nhận hàng, có nhiều mặt hàng chỉ có giá chỉ bằng 1/2 so với những mặt hàng đang được bày bán trong nước” - bà Thuỳ nhận xét.
Một lý do khác mà nhiều người thích mua sắm hàng xách tay là yên tâm về chất lượng! “Có nhiều mặt hàng, nhất là nhóm hàng mỹ phẩm, cùng một thương hiệu nhưng khi mua hàng xách tay, yên tâm về chất lượng hơn so với những sản phẩm cùng loại mua tại các siêu thị trong nước. Kinh nghiệm sử dụng đã mách bảo tôi điều đó” - ông Tấn Thi (Tân Bình, TP HCM) nói như vậy.
Bà P. Giao (Tân Phú, TP HCM) cho biết, từ nhiều năm nay, với những mặt hàng độc như túi xách, quần áo, giày dép… bà thường mua hàng qua mối quen ở bên… Mỹ! “Vì không biết ở Việt Nam có nơi nào bán sản phẩm đó nên qua mạng mua cho nhanh. Tôi chỉ đối chiếu giá trên mạng, rồi chọn mối quen để đặt hàng”.
Theo lời bà Thuỳ, có khi chỉ cần bỏ tiền mua một món hàng trị giá khoảng 30 USD còn được tặng thêm tám món quà tặng cũng của thương hiệu đó, hoặc được tặng phiếu quà tặng hoặc phiếu giảm giá. “Dù những món quà tặng là những sản phẩm dùng thử nhưng rất có giá trị”, bà Thuỳ nói chắc nịch.
Điện thoại di động – hàng xách tay vẫn bán chạy!
Dù các hãng sản xuất đã có những kênh bán lẻ chính thức tại thị trường Việt Nam nhưng nhiều mặt hàng điện thoại di động xách tay vẫn còn đất sống. Đó là những model mới mà thị trường trong nước chưa có hoặc không có, những sản phẩm có thiết kế lạ.
Như hồi cuối tháng 9, sau khi giới thiệu iPhone 6 khoảng một tuần, lúc đó giá iPhone 6 (bản 16GB, hàng xách tay, chưa có hàng chính thức) được rao bán với giá 26 – 28 triệu đồng. Khách mua nườm nượp vì muốn tận hưởng cái gọi là “siêu phẩm” và muốn tạo ra khác người. Vào thời điểm đó, giá của iPhone 6 16GB cao hơn giá hiện nay khoảng 10 – 12 triệu đồng/máy.
Ngoài Apple, những thương hiệu như: BlackBerry, LG, Sky Pantech, HTC, Samsung, Sharp, Nokia, Sony, Motorola… cũng tràn ngập hàng xách tay, từ những model mới nhất cho đến những model đã quá cũ như Nokia 8800/8600 Luna, LG Prada…
Theo giới kinh doanh hàng điện thoại di động xách tay, vì không qua kê khai hải quan nên giá thấp hơn cùng chủng loại được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam từ 20 – 30%, hoặc là những món hàng độc mà ở Việt Nam không có hoặc không còn hàng.
“Nếu khách hàng có đủ hiểu biết để kiểm tra xuất xứ hàng hoá cũng như chất lượng sản phẩm thì chọn hàng xách tay sẽ có giá mềm hơn. Nhưng trên thực tế, chẳng có mấy ai đủ sức làm chuyện này trừ khi chọn được nơi bán có uy tín” - đại diện Tiki.vn, nói.