Câu chuyện cạnh tranh thị phần với các hãng taxi công nghệ tiếp tục là tâm điểm tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) vừa diễn ra sáng 28-4.
Bà Đặng Thị Lan Phương, Tổng giám đốc công ty, cho biết hoạt động kinh doanh trong năm qua bị ảnh hưởng bởi 22 lần thay đổi giá xăng dầu, phát sinh nhiều khoản chi phí trong quá trình tái cấu trúc, chi phí lương và phúc lợi xã hội tăng thêm theo quy định hiện hành.
“Nhưng nghiêm trọng nhất là sự tham gia vào thị trường taxi với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của Uber và Grab, như lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trì hoãn nghĩa vụ thuế, thay đổi giá liên tục và phi lý, dùng tiền để hỗ trợ hoặc bù lỗ cho chủ xe…”, bà Phương nói và cho biết thêm tính đến cuối năm, số lượng xe hoạt động theo mô hình này khoảng 18.000 chiếc, cao gấp 3 lần đội xe Vinasun đang sở hữu.
Chủ tịch Vinasun cho biết sắp tới sẽ kêu gọi toàn bộ nhân viên ký đơn kiện Uber và Grab để tạo hiệu ứng tác động đến Chính phủ và các ban ngành liên quan.
Trước hàng loạt thắc mắc về việc công ty có chiến lược thay đổi như thế nào để sớm giải quyết triệt để vấn đề này, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết Vinasun sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cấp dịch vụ, chất lượng phục vụ nhưng Uber và Grab không có tinh thần này.
“Họ được rót vốn đầu tư rất lớn nên dùng tiền để gây thiệt hại cho doanh nghiệp tự doanh như chúng ta. Họ cũng hưởng nhiều quyền lợi từ chính sách quản lý không chặt, điển hình như mỗi lần Vinasun điều chỉnh giá cước rất nhiêu khê (giá cước bình quân đã bao gồm thuế VAT năm qua giảm 386 đồng mỗi km), trong khi họ linh động thay đổi mà chưa có cơ chế xác định giá. Sắp tới, công ty sẽ kêu gọi toàn bộ nhân viên ký đơn kiện 2 doanh nghiệp này để tạo hiệu ứng tác động đến Chính phủ và các ban ngành liên quan”, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT công ty phát biểu.
Cũng theo ông Thành, trong thời gian tới, công ty sẽ thay chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty sẽ xem xét ý kiến đề xuất của cổ đông liên quan đến việc tìm kiếm, liên doanh với đối tác nước ngoài nhằm tăng quy mô vốn đầu tư và nâng cao năng lực quản lý.
Trao đổi với cổ đông về việc hàng loạt chi phí như quản lý doanh nghiệp, tiếp thị và bán hàng… đều tăng mạnh so với năm trước trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết trước đây, người đứng đầu công ty từng tuyên bố Vinasun sẽ rơi vào khủng hoảng vào cuối năm 2016 và một năm sau thì phá sản, dù hiện nay mỗi tháng công ty vẫn thiệt hại khoảng 6-7 tỉ đồng nhưng hiện tình hình được cải thiện và chắc chắn điều này không xảy ra. Vấn đề tài chính vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, cơ cấu nợ vay để đầu tư rất ổn định và an toàn dù tăng hơn 20% so với năm trước.
“Các anh chị muốn chúng tôi tiếp tục chiến đấu, cạnh tranh thị phần hay ngừng đầu tư, bảo đảm tài sản ngắn hạn mà hy sinh doanh thu dài hạn? Chúng ta hình thành và phát triển trên cơ sở tự doanh suốt mười mấy năm qua nên phương thức này cũng ăn sâu vào tất cả nhân viên, do vậy khi có sự chuyển hướng mô hình hoạt động thì những trúc trắc, sụt giảm ban đầu là dĩ nhiên”, lãnh đạo Vinasun giải thích.
Đại hội cổ đông năm nay cũng thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 4.256 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ công ty mẹ và hoạt động thanh lý xe cũ, quảng cáo chiếm tỷ lệ áp đảo. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt gần 205 tỉ đồng, giảm hơn 34,1% so với 2016. Đáng chú ý là lợi nhuận từ hoạt động vận tải hành khách dự báo giảm hơn phân nửa, từ 224,8 tỉ đồng xuống còn 105 tỉ đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Trước đó vào năm 2015, công ty đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận giảm xấp xỉ 16,5% so với năm trước, sau một năm thì tỷ lệ này tăng lên 20%.