Báo cáo tài chính vừa được Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, MCK: VNS) công bố cho thấy, một số chỉ tiêu kinh doanh của công ty trong năm qua có dấu hiệu bị chững lại do sự cạnh tranh thị phần quyết liệt từ Uber và Grab.
Cụ thể, Vinasun ghi nhận 1.028 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý IV/2016 và lũy kế cả năm đạt 4.305 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi chiếm 96,1%, ước đạt 4.139 tỉ đồng. Lũy kế lợi nhuận sau thuế của công ty năm qua đạt 295,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 318,4 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.
Khoảng hai năm gần đây, Vinasun khá thận trọng khi đề ra mục tiêu kinh doanh nhưng thực tế doanh thu vẫn chưa hoàn thành kế hoạch dù đã tiến sát mốc 4.325 tỷ đồng. Kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là năm thứ 9 liên tiếp doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tốc độ bị thu hẹp đáng kể do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng taxi công nghệ, từ mức duy trì đều đặn 17,4% một năm trong giai đoạn 2011-2015 thì nay giảm xuống chỉ còn 5,5%.
Trong năm qua, Vinasun triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ lại thị phần nên chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và các khoản khác đồng loạt tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong số này là khoản tiền 1.015 tỉ đồng đầu tư mua mới phương tiện vận tải, ước tính đến cuối năm hãng sở hữu đội xe khoảng 6.141 chiếc có giá trị lên đến 2.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, chi phí nhân công cũng tăng lên mức 2.276 tỉ đồng. Số tiền này được cho là sử dụng để tăng mức chiết khấu và ưu đãi cho đội ngũ tài xế. Phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, việc áp dụng ứng dụng đặt xe trên điện thoại di động cùng với vận hành dòng xe sang Vcar tiêu tốn khoản chi phí không nhỏ trong năm qua.
Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4/2016, lãnh đạo Vinasun nhận định thị trường taxi đang bị cạnh tranh quyết liệt và chính sự xuất hiện Uber và Grab khiến công ty chịu nhiều thiệt hại, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến việc đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Vinasun, công ty đang tái cấu trúc hoạt động và đưa ra nhiều mô hình kinh doanh phù hợp, đa dạng để người dùng lựa chọn. Điển hình là cách đây nửa năm, Vinasun bắt đầu thí điểm sử dụng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe từ 9 chỗ trở xuống. Việc thí điểm được thực hiện ở 8 tỉnh thành, các xe tham gia đề án này không phải gắn biển hiệu và số điện thoại.
Công ty còn cho biết sẽ giảm giá cước để tăng khả năng cạnh tranh, cụ thể dự kiến giá cước bình quân từ 16.000 đồng một km sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Song song đó, Vinasun phối hợp với các ngân hàng và trung tâm thanh toán để áp dụng chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng.