Thời gian gần đây, hàng loạt thương hiệu chuỗi cà phê đình đám như NYDC, Gloria Jean’s rút khỏi Việt Nam. Những thương hiệu gây sốt một thời như The KAfé, Saigon Cafe lần lượt đóng cửa. Trong bối cảnh đó, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi các chuỗi trà sữa mọc lên như nấm sau mưa mà vẫn sống tốt.
Phiên bản nâng cấp
Bắt nguồn từ Đài Loan, trà sữa trân châu là thức uống yêu thích của các bạn trẻ những năm 2000. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, trào lưu trà sữa trân châu lắng xuống và biến mất trước các thông tin về chất ung thư trong thành phần làm trân châu...
Sau thời gian im ắng, trà sữa trở lại thị trường đầy sôi động. Chưa đầy 1km dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế (quận 1) có hơn chục quán trà sữa dạng chuỗi hay cửa hàng độc lập chen sát nhau gần như lúc nào cũng có khách. Cảnh xếp hàng dài hay 40-50 khách chen chúc trong không gian nhỏ hẹp của các quán trà sữa thời thượng như Koi Thé Cafe hay Gong Cha, kiên nhẫn chờ để mua một ly trà sữa với giá từ 30.000-70.000 đồng không hề hiếm gặp. "Cũng có người chỉ uống thử cho biết, nhưng không ít người nghiện món nước uống này", bạn An Hải cho biết sau khi chờ xếp hàng hơn 15 phút để mua ly trà sữa uống cùng bạn gái.
Đầu tư cho mô hình này có gì cần lưu ý để trà sữa không chỉ là một trào lưu chạy theo sở thích giới trẻ hoặc chết yểu như những quán trà chanh trước đây?
Cứ sau giờ nghỉ trưa, Hoàng Ngân (nhân viên văn phòng tại quận 1) lại cùng đồng nghiệp trong văn phòng kêu trà sữa uống. Trà sữa trong trí nhớ của thế hệ 8X như Ngân là ly trà vài ngàn đồng pha từ bột sữa, hương trái cây và trân châu làm từ bột sắn. Mùi vị cơ bản, giá rẻ, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thường là món thức uống trước cổng trường cho học sinh.
Nhưng giờ đây, món thức uống này dường như lột xác, đặc biệt với sự xuất hiện của hệ thống trà sữa từ Đài Loan, Hồng Kông, Nhật và Singapore. Các thương hiệu ngoại, mở đầu là trà Tiên Hưởng từ Đài Loan vào Việt Nam, bên cạnh số ít thương hiệu được mở theo mô hình chuỗi khi đó như Alo Trà, Hoa Hướng Dương... Rõ ràng, thị trường trà sữa hiện nay là sự cạnh tranh của các thương hiệu chuyên nghiệp, với quy mô khác hẳn so với giai đoạn trước.
Quản lý của một chuỗi đồ uống chia sẻ sau thời cà phê take-away làm mưa làm gió, thì giờ người uống cà phê lại thích uống ở những quán trung tâm, không gian đẹp, giá hợp lý. Trong khi đó, trà sữa chủ yếu phục vụ theo dạng mang đi. Đó là lý do các cửa hàng trà sữa không cần quá đầu tư vào mặt bằng, thiết kế, khách không quá đông mà vẫn phát triển ồ ạt vì có biên lợi nhuận cao.
Những khách hàng như Ngân, qua thời tuổi teen, giờ thành dân văn phòng, trí thức vẫn chuộng loại nước uống này. Không còn đơn giản như xưa, các "thượng đế" đến với các quán trà sữa, ngoài hàng chục hương vị, topping, còn được chọn tỉ lệ đường, đá theo sở thích.
Học sinh, sinh viên, người trẻ là khách hàng ruột của cửa hàng trà sữa nói riêng, cửa hàng đồ uống nói chung. Đây cũng là hai đối tượng chủ lực trong chi tiêu tại các mô hình ăn uống, bán lẻ hiện đại theo khảo sát của Nielsen. Theo ghi nhận của một chủ quán trà sữa, đối tượng khách hàng trẻ chiếm khoảng 60% lượng khách, thích hẹn hò bè bạn tại những quán thời thượng, chụp ảnh, đưa hình lên mạng xã hội.
Mua 1 tặng 1, giảm giá 50% là các chiêu khuyến mãi quen thuộc của các cửa hàng trà sữa mới ra mắt. Một cách tương đối suy ra giá vốn trà sữa với các nguyên liệu như bột trà, topping... có giá dễ thở, bảo quản lâu hơn so với cà phê, trái cây tươi của các cửa hàng cà phê, sinh tố.
Chia sẻ với NCĐT, ông Hùng, người đem thương hiệu trà Tiên Hưởng vào Việt Nam cho biết giá một ly trà sữa "sạch", với nguyên liệu trà, sữa, topping nhập khẩu, đường mía tự sản xuất... giá vốn một ly trà sữa từ 15.000-20.000 đồng, lợi nhuận ở mức 20-25%.
Vũ khí để chiến thắng
Thị trường trà sữa gồm 2 phân khúc riêng biệt: tầm trung có Hoa Hướng Dương, Tiên Hưởng, Hot&Cold...; cao cấp có Koi Thé Cafe, Gong Cha, R&B, Toco Toco... Chưa kể những cửa hàng ăn nên làm ra từ online, sau một thời gian đã đủ vốn để mở cửa hàng cạnh tranh với những thương hiệu lớn. Trà đào và trà sữa cũng là hai món làm nên tên tuổi của Phúc Long, thương hiệu đồ uống có tham vọng cạnh tranh với những ông lớn trong ngành cà phê với hương vị đồ uống thuần Việt.
Vài năm trước, các cửa hàng của Phúc Long chỉ đơn thuần là nơi bán và giới thiệu sản phẩm thì gần đây, hàng loạt cửa hàng Phúc Long xuất hiện ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố và tạo nên một "hiện tượng". Chẳng hạn, chỉ riêng tại quận 1, Phúc Long đã có các cửa hàng ở Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Văn Cừ.
Bên cạnh đó là các cửa hàng ở quận 3, 5, 7, Phú Nhuận, Tân Bình... Trà sữa được coi là "vũ khí để chiến thắng" trong thị trường cà phê - nước giải khát của Việt Nam, chủ yếu là do dân số trẻ của Việt Nam. Với lợi thế của một doanh nghiệp chuyên về trà lâu năm, Phúc Long có lợi thế trong việc thu hút khách hàng yêu thích những thức uống tốt cho sức khỏe.
Mô hình Phúc Long cho thấy cũng như các loại hình bán lẻ hay ẩm thực khác, vị trí đắc địa ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Tại TP HCM, điểm đến của những bạn trẻ yêu trà sữa là trung tâm quận 1. Theo một đại diện của chuỗi cà phê mới mở tại TP HCM, chi phí để đầu tư một cửa hàng cà phê tại TP HCM khoảng 250.000USD. Khảo sát mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, giá thuê mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa bậc nhất khu trung tâm TP HCM đạt 120-130 USD/m2/tháng.
Cách thức nhân rộng cửa hàng được các chuỗi trà sữa áp dụng phổ biến là nhượng quyền thương mại. Chi phí nhượng quyền một cửa hàng quy mô trung bình khoảng 1-1,5 tỉ đồng. Diện tích tối thiểu khoảng 40m2, mặt tiền ít nhất 4m, tại những vị trí tốt (trong trung tâm thương mại, gần trường học...). Tùy vào hệ thống, phí nhượng quyền dao động khoảng vài trăm triệu, có khi lên cả tỉ đồng, chi phí máy móc, mua nguyên liệu từ công ty mẹ...
Ước tính mỗi cửa hàng khoảng 300 lượt khách/ngày, doanh thu 270-300 triệu đồng/tháng. Nếu vị trí tốt, đồ uống ngon, vận hành ổn định, cửa hàng có thể hòa vốn sau 1-1,5 năm. Tùy từng chuỗi có chiến lược khác nhau: Chuỗi thì chỉ có một cửa hàng trong một địa bàn/thành phố để tránh cạnh tranh lẫn nhau, chuỗi lại đánh úp 2-3 cửa hàng cách nhau vài trăm mét để hút khách và định vị thương hiệu.
Tuy vậy, mở theo chuỗi, từng cửa hàng trong hệ thống phải chuẩn hóa theo một công thức chung, kèm với đó là đầu tư cho giám sát, kế toán, nhân sự, marketing... Những bài toán không hề đơn giản. Theo khảo sát của Q&Me mới đây, giá cao, vị trí không thuận tiện và chất lượng không tốt là những lý do chính khiến người dùng rời bỏ các cửa hàng trà sữa.
Mới đây, 110 tiệm Gong Cha tại Singapore đã đổi tên thành LiHo. Doanh thu chuỗi trà sữa này trước đây vào khoảng 30 triệu SGD. Việc thay đổi toàn bộ thương hiệu xảy ra khi người nhượng quyền thương hiệu Gong Cha vào Singapore, ông Rodney Tang, phát hiện công ty mẹ ở Đài Loan đã bán toàn bộ công ty cho Gong Cha Korea.
Từ đó, hợp đồng mới với những franchise như ông Tang có nhiều hạn chế hơn, bao gồm những điều khoản ảnh hưởng đến việc kinh doanh những thương hiệu khác trong cùng hệ thống của ông Tang. Với kinh nghiệm làm được một ly trà ngon học từ Gong Cha, Tang đã xây dựng lại thương hiệu LiHo, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu, cách pha, thiết kế bộ nhận dạng thương hiệu mới và có ý định mở rộng chuỗi ra nước ngoài. 165 cửa hàng trà sữa Chatime tại Malaysia, phục vụ 2 triệu khách/ngày cũng vừa chấm dứt việc nhượng quyền khi bất đồng giữa công ty chủ quản và người nhượng quyền về chiến lược kinh doanh.
Trà sữa là mô hình kinh doanh theo xu hướng đáp ứng trào lưu của giới trẻ. Ngoại trừ những người mở quán kiếm lời từ cao điểm thị trường, thì những quán trà sữa có đầu tư, nhất là theo chuỗi, cần đặc biệt chú trọng định hình thương hiệu để vẫn sống được khi trào lưu thoái trào.