Theo ông Trương Văn Phụng – một nông dân trồng cà phê tại xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, Đồng Nai), chi phí đầu vào (công lao động, tưới tiêu, phân bón...) cây cà phê đang tăng cao, trong khi năng suất giảm do nắng hạn. Dù giá bán đang ở mức tốt, nhưng tính ra lợi nhuận từ cây cà phê khá thấp so với bưởi da xanh hay hồ tiêu. “Tôi đang trồng xen canh cây bưởi da xanh, hồ tiêu với cây cà phê. Có lẽ sau vụ này, tôi sẽ chặt bỏ hết cây cà phê để tập trung phát triển 2 loại cây kia” - ông Phụng thổ lộ.
Cây cà phê hết là… chủ lực
Những ngày này, các vườn cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Vọng (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết chị đang trồng 1ha cà phê xen hồ tiêu. Theo ước tính, vụ cà phê năm nay năng suất sẽ giảm 30-40% so với năm 2015. Do đó, mặc dù được giá, nhưng do năng suất giảm nên thu nhập của người trồng cà phê không cao.
Ông Nguyễn Mạnh Huy (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) bên vườn cà phê đã già cỗi và lâu ngày thiếu chăm bón. ảnh: Trần Đáng
Đưa tay chỉ vườn cà phê chỉ còn khoảng 200 gốc, chị Nguyễn Thị Xuân (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết, mấy năm qua, khi cà phê rớt giá liên tục, mất kiên nhẫn nên đầu năm nay chị đã chặt bỏ 1.000 gốc để trồng mít. “Giờ giá cà phê tăng cao, đôi khi cũng thấy tiếc nhưng tính lợi nhuận thì cây cà phê vẫn không là chọn lựa của tôi” - chị Xuân thổ lộ. Theo chị Xuân, không riêng gia đình chị, nhiều hộ dân khác cũng đã chặt bỏ hết cà phê để trồng chuối, mít hoặc hồ tiêu.
Chưa đến nỗi chặt bỏ vườn cà phê để trồng cây khác nhưng ông Nguyễn Mạnh Huy (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết mấy năm qua ông gần như bỏ hoang mảnh vườn hơn 1ha của mình. Theo ông Huy, không thể cứ tiếp tục đổ vốn chăm cây cà phê trong khi thu không đủ bù chi. Ông tính năng suất vụ thu hoạch cà phê năm nay vẫn sẽ giảm khoảng 40% so với vụ trước. Cà phê cao giá nhưng mất mùa, trừ chi phí, lợi nhuận còn lại cũng không được mấy.
Tình trạng giá cà phê biến động khó lường khiến nhiều nhà vườn trồng cà phê năm nay vào vụ muộn, hiện mới bắt đầu thu hoạch và càng lo lắng phải đối mặt với cảnh mất mùa, giá hạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân chọn chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang trồng cây khác.
Theo ông Chu Văn Cang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), trước đây xã có khoảng 1.800ha chuyên canh cà phê thì nay chỉ còn hơn 1.000ha nhưng chủ yếu trồng xen canh. Lý do: So với các cây trồng khác, lợi nhuận từ cây cà phê ngày càng thấp, lại nhiều rủi ro do giá cả bấp bênh.
Xen canh để chờ giá
Việc trồng cà phê xen tiêu cũng mang lại nhiều lợi ích, có thể hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Cụ thể, cà phê là loại cây hút nước tốt, tiêu thì lại rất mẫn cảm với nước. Ngoài ra, lượng phân bón cần cho cà phê cũng ít nên mỗi khi bón cho cà phê có thể tăng thêm chất dinh dưỡng cho các cọc tiêu.
Bà Trần Thị Hiến
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn hơn 5.600ha trồng cà phê, giảm 550ha so với năm 2015, năng suất trung bình đạt 18 tạ/ha. Do giá bán cà phê giảm sâu trong thời gian qua nên nhiều nông dân đã chặt bỏ loại cây này để trồng hồ tiêu.
Đến nay, diện tích cà phê tỉnh Đồng Nai còn khoảng 19.000ha, phần lớn trồng bằng giống chưa qua chọn lọc hay nhân theo phương pháp hữu tính, nên năng suất khá thấp, trung bình chỉ khoảng 1,7 tấn/ha. Các vườn cà phê tập trung chủ yếu tại các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và thị xã Long Khánh. Một số diện tích nông dân trồng cà phê xen canh với hồ tươi, bưởi da xanh… hòng chờ giá.
Theo bà Trần Thị Hiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc người dân ồ ạt chặt bỏ cà phê để trồng tiêu là chỉ thấy lợi ngay trước mắt. Về lâu dài, diện tích trồng cà phê giảm, sản lượng không đủ cung ứng cho thị trường sẽ gây mất cân đối cung cầu. Do đó, người dân cần tránh tình trạng chặt - trồng theo phong trào.