Ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bị bắt, giới truyền thông và dư luận xã hội lại nổi sóng những câu chuyện về con đường dẫn đến vòng lao lý của không ít lãnh đạo ngân hàng. Đã thế, nhiều vụ từ nhiệm bất ngờ của lãnh đạo ngân hàng cũng góp sức làm nóng thêm câu chuyện thời sự về nghề lãnh đạo ngân hàng.
Gây hậu quả nghiêm trọng...
Trước hết, chuyện ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Sơn chiều 21-7. Thông tin ban đầu trên báo Lao Động cho biết, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tình nghi có sai phạm trong giai đoạn giữ chức Phó Tổng giám đốc PVN; Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank với việc để mất nguồn vốn 800 tỉ do PVN đầu tư vào Ocean Bank khi Ngân hàng Nhà nước mới đây đã tiến hành mua lại bắt buộc Ngân hàng Ocean Bank với giá 0 đồng.
Báo Tuổi Trẻ cũng tiết lộ thông tin, ông Nguyễn Xuân Sơn đã nhiều lần bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệu tập làm việc để điều tra, xác minh về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông này trong quá trình là Tổng Giám đốc Ocean Bank, sau đó là Phó Tổng giám đốc PVN trước khi giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN.
Như vậy, việc ông Sơn vướng vòng lao lý, nhìn trên truyền thông thì thấy nguyên nhân chủ yếu gắn với cái ghế lãnh đạo ngân hàng.
Còn nhớ cách đây không lâu (tháng 1-2015), bà Nguyễn Minh Thu, Tổng Giám đốc Ocean Bank cũng bị bắt vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều bất ngờ là bà Thu vừa được nhậm chức trước đó chỉ hơn 2 tháng.
Cụ thể, bà Thu được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank ngày 23-10-2014 ngay sau khi Hội đồng quản trị Ngân hàng OceanBank ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Hà Văn Thắm và ông này bị bắt tạm giam ngày 24-10-2014.
Sau đó, chiều 28-1-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự xảy ra tại OceanBank, đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Minh Thu – cựu Chủ tịch HĐQT – cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Oceanbank.
Làm chưa giỏi thì bị chê
Không liên quan đến chuyện bắt bớ nhưng việc ông Cao Sỹ Kiêm từ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng khiến nhiều người bất ngờ. Hành động được cho là đột ngột của ông Kiêm cũng khiến dư luận có nhiều hoài nghi. Rồi chính ông Kiêm cũng phải xuất hiện trên báo chí giải thích nguyên nhân từ chức của mình.
Cụ thể, trên báo Người Đưa Tin, cựu Thống đốc NHNN này cho biết: "Chuyện tôi rút lui khỏi vị trí lãnh đạo DongA Bank không có gì ngoài lý do sức khoẻ. Năm nay tôi đã 75 tuổi rồi, đâu còn trẻ nữa, nên nhường lại vị trí cho những người trẻ tuổi, minh mẫn hơn".
Ông Kiêm còn cho hay hiện nay Ngân hàng Đông Á đang tái cơ cấu và có xu hướng trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo. Đấy là việc cần thiết. Trong khi đó, ông năm nay đã bước sang tuổi 75, cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi.
Đặc biệt, ông Kiêm khẳng định thêm rằng: "Tôi nghỉ hoàn toàn do sức khoẻ chứ không vì một lý do nào khác. Mọi người không nên suy diễn hay đồn đoán".
Là nhân vật cũng được giới truyền thông chú ý, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng vừa xin thôi nhiệm và không tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra.
Lý do ông Dũng từ nhiệm được báo VnExpress dẫn thông tin từ đại hội cho biết Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng chia sẻ bản thân mình là người đi làm thuê nên luôn chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt "làm giỏi thì được khen còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc". Với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm qua chưa khả quan, ông thay mặt Hội đồng quản trị xin lỗi cổ đông và cho biết bản thân ông đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức. Do đó, ông không tiếp tục ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Nghề nguy hiểm?
Chuyện lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật hay lãnh đạo ngân hàng phải từ nhiệm là hai câu chuyện khác nhau. Nhưng nhìn từ góc độ nghề nghiệp lại thấy một điểm chung là họ cùng lao động trong một nghề có thể gọi là “nghề nguy hiểm”.
Nguy hiểm ở đây không phải chỉ với bản thân lãnh đạo ngân hàng mà nguy hiểm hơn là hậu quả nếu họ gây ra, trên chiếc ghế lãnh đạo của mình, cho xã hội. Bởi ở cương vị lãnh đạo, người chèo lái ngân hàng của mình, nếu tài năng, bản lĩnh của họ không đủ để tạo dựng uy tín, thương hiệu cho ngân hàng, không thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng thì không chỉ mình họ mà nhân viên của họ và đặc biệt là hàng loạt các khách hàng có thể bị liên lụy.
Có một điều rất quan trọng là xung quanh nhiều vi phạm của lãnh đạo ngân hàng, cũng có lý do mà giới chuyên gia quan ngại rằng, do hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động ngân hàng ở nước ta chưa thực sự chặt chẽ, rồi cả sự am hiểu luật pháp của công dân còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, với cuộc chơi khắc nghiệt của ngành ngân hàng, có thể không tránh khỏi ai đó vì “lách luật” mà... phạm luật. Nói như ông Lê Hùng Dũng, bản thân ông là người đi làm thuê nên luôn chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt, nếu làm giỏi thì được khen, còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc.
Trong thời điểm khá nhạy cảm hiện nay, khi mà nhiều vụ lùm xùm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhiều ngân hàng liên tục được cơ quan thực thi pháp luật phanh phui. Rồi mùa đại hội cổ đông, chia cổ tức... với những buồn vui lẫn lộn; và cả câu chuyện mua bán, sáp nhập, thâu tóm... ngân hàng liên tục diễn ra với không ít lo toan... Hẳn là không ít lãnh đạo ngân hàng cũng đang như ngồi trên đống lửa. Nhiều người cho rằng họ đang làm “nghề nguy hiểm”, kể cũng không ngoa.